Nga “đáp trả” các tuyên bố của Nhật Bản đòi chuyển giao quần đảo Kuril
Trước đó, lãnh đạo đảng Cộng sản Nhật Bản đối lập ông Kazuo Shii đã gọi Hiệp ước Hòa bình San Francisco là “không công bằng”, bởi theo đó Tokyo từ chối chủ quyền với Nam Sakhalin và quần đảo Kuril. Chính trị gia này cũng đề xuất tiến hành cuộc đối thoại với Nga, đòi hỏi Moscow “trao trả” Tokyo tất cả quần đảo Kuril.
“Xuất phát từ lập trường chính thức”
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev cho rằng, kêu gọi không nên để ý đến phát ngôn của nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Nhật Bản.
“Khi tiếp nhận quan điểm của Nhật Bản, chúng tôi xuất phát từ tuyên bố của chính giới Tokyo chứ không phải phát ngôn của phe đối lập”, ông Kosachev nói.
Một phần của quần đảo Kuril - Nga. (Ảnh tư liệu) |
“Không cần bình luận”
Đồng nghiệp của ông Konstantin Kosachev là ông Sergei Tsekov nhấn mạnh rằng, không cần phản ứng gì bởi hiển nhiên quần đảo Kuril là một phần của nước Nga theo chuẩn mực pháp lý quốc tế.
“Trao trả những hòn đảo này để rồi ở đó xuất hiện các căn cứ Mỹ, là chuyện không thể. Chúng tôi không định sửa đổi những gì đã đạt được sau Thế chiến II, nhưng dĩ nhiên nên tiến hành đối thoại”, ông Tsekov cho biết.
“Phụ thuộc vào thế giới bên ngoài”.
Nghị sĩ Duma quốc gia Anton Morozov lưu ý rằng, quan hệ Nga-Nhật Bản đang ở mức độ cao, chắc sẽ dẫn đến sự xích gần lập trường ngay cả trong vấn đề nhạy cảm và bức thiết như vậy.
“Sớm hay muộn, người Nhật sẽ đồng thuận với điều kiện của chúng ta về Hiệp ước hòa bình, bởi chủ yếu họ phụ thuộc vào thế giới bên ngoài, kể cả vào Nga”, ông Morozov nói.
“Lãnh thổ không thể tách rời khỏi Nga”.
Ủy viên Hội đồng Liên bang Franz Klintsevich cũng kêu gọi đừng quá coi trọng phát ngôn của ông Kazuo Shii.
“Với đất nước chúng tôi, thì trong vấn đề này tất cả các lực lượng chính trị đều nhất trí: Quần đảo Kuril là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Nga”, ông Klintsevich nói.
Đảo Urup thuộc quần đảo Kuril. Ảnh: RIA. |
Tranh chấp quần đảo Kuril.
Nhật Bản tuyên bố tham vọng chủ quyền với đảo Kunashir, Shikotan, Iturup và Habomai, viện dẫn Thỏa ước song phương về thương mại và biên giới năm 1855. Năm 1956, Liên Xô và Nhật Bản đã ký Tuyên bố chung, trong đó Moscow đồng ý xem xét khả năng chuyển giao Habomai và Shikotan cho Nhật Bản sau khi ký kết Hiệp ước hòa bình, còn số phận của Kunashir và Iturup không bàn tới.
Liên Xô trông đợi rằng Tuyên bố chung sẽ chấm dứt tranh chấp, trong khi Nhật Bản lại coi văn kiện này chỉ là một phần giải pháp cho vấn đề và không từ bỏ yêu sách đối với toàn bộ các đảo.
Những cuộc đàm phán kế tiếp sau đó đã không thu được kết quả gì, Hiệp ước hòa bình về kết thúc Thế chiến II vẫn chưa được ký kết. Lập trường của Moscow là quần đảo Nam Kuril đã thuộc thành phần Liên bang Xô-Viết theo kết quả Thế chiến II và tương ứng với quy định của pháp lý quốc tế, chủ quyền của Nga đối với quần đảo này là không thể nghi ngờ.
Tại Singapore, tháng 11/2018 đã diễn ra cuộc gặp của lãnh đạo Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Theo kết quả cuộc hội kiến, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố rằng các bên đã đồng ý sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán về ký Hiệp ước hòa bình trên cơ sở Tuyên bố chung năm 1956.