Nga đang soán ngôi "thủ lĩnh" của Mỹ ở Trung Đông?
Chiến đáu cơ Nga xuất kich tiêu diệt IS tại chiến trường Syria |
Tờ The Economist của Anh nhận định, Mỹ- quốc gia luôn coi mình là thủ lĩnh độc tôn trên thế giới trong suốt ¼ thế kỷ qua, đã không thể thích ứng kịp với một thế giới mới mà ở đó, Nga và Trung Quốc đang đóng vai trò ngày càng quan trọng.
Theo The Economist, chiến dịch quân sự của Nga chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và những tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông đang thực sự tạo ra mối đe dọa đối với vai trò thủ lĩnh hàng đầu thế giới của Mỹ.
The Economist cho rằng trong 25 năm qua, Mỹ hầu như đóng vai trò là thủ lĩnh hàng đầu duy nhất trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đang đặt Mỹ vào tình trạng phải ngày càng đối đầu với nhiều thách thức, đe dọa hơn. Chiến dịch không kích IS tại Syria của Nga và tham vọng lãnh thổ trên biển của Trung Quốc khiến Mỹ lâm vào tình cảnh khá khó khăn nếu tiếp tục muốn duy trì vị thế bá chủ của mình.
Khi tiến hành chiến dịch không kích IS ở Syria, Tổng thống Nga Putin, theo The Economist, muốn chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế thấy rằng Nga khác khẳn so với Mỹ. Cộng đồng quốc tế hoàn toàn có thể tin tưởng Nga, tin tưởng về khả năng Nga có thể tiến hành thành công chiến dịch ở Trung Đông, hành động một cách quyết đoán và sở hữu lực lượng quân đội tinh nhuệ, có sức chiến đấu cao, cũng như các vũ khí tên lửa có sức mạnh tấn công lớn.
Do đó, sự vượt trội của Mỹ trong nhiều lĩnh vực khác nhau đang bị đặt câu hỏi. Sau khi Liên Xô sụp đổ, sự vượt trội của Mỹ ngày càng trở nên rõ ràng hơn nhiều. Sự vượt trội này đạt được, theo nhận định của The Economist, chủ yếu là nhờ Nga rơi vào suy thoái trong thời gian khá dài và Trung Quốc chỉ mới bắt đầu đi vào ổn định.
Tuy nhiên, khi Nga và Trung Quốc đang dần khôi phục lại vị thế của mình, dẫn đến bối cảnh chính trị quốc tế có nhiều chuyển biến nhanh chóng, Mỹ lại không kịp thích nghi với những chuyển biến này vì còn vướng vào nhiều tranh cãi khác nhau. Ba vị tổng thống gần đây nhất của Mỹ đều cố gắng thực hiện chiến lược “xuất khẩu các giá trị dân chủ Mỹ”. Nhưng những nước đối tác mà Mỹ muốn xuất khẩu giá trị dân chủ đều đang cảm thấy bị Mỹ ép buộc phải theo như ở Iraq, Afghanistan và Trung Đông.
Đặc biệt tại Trung Đông, hầu hết các quốc gia, trong đó có cả đồng minh của Mỹ như Arab Saudi, đều đang bắt đầu có xu hướng hình thành quan hệ tốt đẹp với Nga để nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Nga trong việc giải quyết các vấn đề của riêng mình.
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, ông Putin đã đón tiếp nhiều lãnh đạo Cận Đông như Quốc vương Jordan Abdulla II, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, người kế vị ngôi vương của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất Mohammed al-Nahyan và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và Tổng thống Palestine Mahmud Abbas đã đến Moscow để gặp gỡ ông Putin và dự lễ khánh thành một nhà thờ Hồi giáo đồ sộ tại Moscow.
Mới đây nhất là chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Arab Saudi Mohammed bin Salman.
Theo giới phân tích, việc một loạt nguyên thủ quốc gia các nước Trung Đông đến Nga chỉ trong thời gian ngắn cho thấy uy tín và ảnh hưởng của Nga tại khu vực này đang ngày càng gia tăng. Trong tương lai không xa, vị thế của Mỹ tại Trung Đông sẽ bị tụt lại so với vị thế của Nga tại khu vực này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Ria-Novosti, một trong những hãng thông tấn lớn và uy tín nhất tại Nga cũng như trên thế giới.