Nga đang dần chiếm vị trí thống trị châu Á của Mỹ
Truyền thông thế giới đang tập trung đưa tin bài về các điểm nóng an ninh tại châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Michelle Shevin-Coetzee tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, thay vì chỉ tập trung vào giải quyết cuộc khủng hoảng hiện thời, Washington không nên lờ là những chính sách chiến lược đã đề ra. Đặc biệt trong bối cảnh, Nga đang thi hành chính sách hai cực khi vừa hăng hái tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng hiện thời vừa đầu tư mạnh tay vào các đối tác tiềm năng.
Chia sẻ với tạp chí The National Interest, ông Coetzee nhận định dù tập trung giải quyết những rắc rối ở châu Âu và cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, giới lập pháp Mỹ cũng không bỏ qua châu Á – Thái Bình Dương, nơi Nga đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng.
Tầm ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương đang mờ nhạt dần trước mối quan hệ hợp tác Nga - Trung. |
Với vị thế là khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ cùng sự xuất hiện của hàng loạt quốc gia mới nổi và nơi sinh sống của hơn nửa dân số thế giới, châu Á – Thái Bình Dương hứa hẹn mang lại tiềm năng kinh tế lớn. Do đó, để duy trì vị thế trong khu vực, Mỹ cần có sự tập trung và chiến lược lâu dài. Điểm nhấn hiện nay chính là chiến lược tái cân bằng hay còn gọi là “trục châu Á” mà Washington thi hành trong thời gian qua.
Chính sách “trục châu Á” ra đời nhằm củng cố vị thế của Mỹ trong khu vực được đánh giá là năng động nhất trên thế giới trong thế kỷ 21. Trọng tâm của chính sách này là năng lực quân sự kết hợp giữa yếu tố ngăn chặn và đảm bảo những cam kết mà Mỹ đã đưa ra với các nước trong khu vực trước mối đe dọa từ sự lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc.
Tuy nhiên giờ đây, không chỉ hành động của Bắc Kinh mới khiến giới hoạch định chính sách của Mỹ lo lắng mà chính là mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Nga với Trung Quốc và các nước trong khu vực trên phương diện quốc phòng, kinh tế và năng lượng.
Quyết định xích lại gần Trung Quốc vốn nằm trong chiến lược đôi bên cùng có lợi của Nga. Cụ thể, khi hợp tác với Bắc Kinh, Moscow vừa tìm được một thị trường xuất khẩu lớn thay thế khách hàng châu Âu lâu đời vừa tạo tầm ảnh hưởng chính trị ở châu Á. Với Trung Quốc, hợp tác với Nga sẽ giúp quốc gia đông dân nhất thế giới đối chọi với Mỹ để tạo ra một trật tự thế giới mới phục vụ lợi ích của Bắc Kinh.
Quan hệ Nga - Trung khiến Mỹ mất hình ảnh
Sự dịch chuyển trong quan hệ Nga – Trung cùng chính sách hướng đông của Moscow đã tạo ra thêm những thách thức mới tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương khác xa so với chiến lược tái cân bằng ban đầu mà Mỹ tuyên bố.
Theo ông Coetzee, trong lĩnh vực an ninh, Bắc Kinh và Moscow đang có những hành động đe dọa tới lợi ích của cả Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác trong khu vực. Cụ thể, Nga đang đóng vai trò then chốt trong chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc khi cung cấp hàng loạt hệ thống tên lửa, radar tiên tiến cùng nhiều thiết bị vũ khí khác giúp Bắc Kinh nâng cao khả năng “chống tiếp cận, chống xâm nhập” (A2/AD).
Trung Quốc sẽ trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên nhận tổ hợp tên lửa S-400 của Nga. |
Hồi năm ngoái, hai nước đã kết thúc các cuộc đàm phán liên quan tới thương vụ mua bán hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400. Mặc dù chi tiết thảo luận không được công bố nhưng nó đã đặt dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước.
Theo đó, Trung Quốc trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của Nga nhận tổ hợp tên lửa tối tân S-400. Trước đó, Bắc Kinh đã mất nhiều năm trời để thuyết phục Moscow bán S-400 mà không thành do giới chức Nga lo ngại Trung Quốc làm nhái hệ thống tên lửa. Tuy nhiên, chỉ cách đây vài tuần, truyền thông Nga đưa tin Moscow sẽ chuyển giao S-400 cho Trung Quốc trong vòng 12 – 18 tháng tới.
Động thái này khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ mà cụ thể là Nhật Bản lo ngại về khả năng mở rộng năng lực A2/AD của Trung Quốc, tạo ra thêm thách thức an ninh cho châu Á – Thái Bình Dương. Việc chuyển giao S-400 cũng sẽ khiến Mỹ cân nhắc thận trọng cái giá phải trả khi phản ứng trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc trong tương lai.
Quan hệ gắn bó Nga – Trung còn ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng đầu tư kinh tế và tài chính của Mỹ trong khu vực. Dưới sức ép từ lệnh trừng phạt của phương Tây, nền kinh tế Nga đã phải chứng kiến tình cảnh tụt dốc song khi hợp tác tài chính với Trung Quốc, tác động ảnh hưởng đã giảm đi rất nhiều.
Trong năm 2014, Moscow và Bắc Kinh đã ký kết hiệp ước chuyển đổi tiền tệ trị giá 24 tỷ USD. Động thái này không chỉ giúp Nga giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng USD mà còn khuyến khích thế giới sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Ngoài ra, hàng tỷ USD từ nền kinh tế Trung Quốc cũng đã đổ vào các công ty của Nga thông qua chương trình hợp tác giữa Tập đoàn Ngân hàng phát triển Trung Quốc và Qũy Đầu tư trực tiếp của Nga. Nói tóm lại, quan hệ hợp tác tài chính Nga – Trung đang làm lu mờ hình ảnh nước Mỹ mà cụ thể là vai trò của đồng USD trên trên thị trường quốc tế.
Theo chuyên gia Coetzee, để duy trì trọng tâm chiến lược cũng như mở rộng khả năng cân bằng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trước hết, Mỹ cần tận dụng tối đa mối quan hệ hợp tác ngoại giao, tài chính và quân sự. Không chỉ tập trung vào hành động của Nga ở châu Âu và Trung Đông, Mỹ cũng cần để ý tới những động thái mới của Moscow ở châu Á – Thái Bình Dương.
Sự năng động của khu vực châu Á – Thái Bình Dương cùng mối quan hệ hợp tác ngày càng gắn bó giữa Nga và Trung được xem là nền tảng hình thành nền kinh tế thế giới và trật tự toàn cầu trong thế kỷ 21. Do đó, chính sách “trục châu Á” là cơ hội duy nhất để Mỹ chủ động phản ứng trước các mối thách thức từ Nga và Washington không nên bỏ lỡ cơ hội này, ông Coetzee nhận định.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.