Nga có thể làm gì trong cuộc chiến chống IS?
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Lavrov phát biểu rằng, Moscow sẽ không tham gia chiến dịch chống lại quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) của Mỹ cho đến khi quan hệ Nga – Mỹ được cải thiện.
Liệu Nga có thực sự đủ khả năng hỗ trợ quân sự đối với chiến dịch chống lại quân Hồi giáo cực đoan? Các chuyên gia quân sự tin rằng câu trả lời là “Có”.
Frants Klinksevich, một nghị sỹ Nga và là một cựu binh chiến tranh Afghanistan cho biết: “Nga có thể làm được bất kỳ điều gì. Chúng ta có thể giải quyết vấn đề một cách triệt để nếu chính phủ thực sự muốn”.
Chiến dịch chống lại IS vẫn còn rất căng thẳng. |
Các chuyên gia độc lập tỏ ra dè chừng, nhưng cũng nói rằng Nga có thể hỗ trợ rất nhiều trong cuộc chiến chống lại IS.
Nếu tham chiến, Nga sẽ không đưa quân đội chính quy của mình, mà sẽ vận động các công ty quân sự tư nhân vừa được hợp pháp hóa của nước này vào tham chiến, dù có thể các công ty này sẽ không kịp tiến vào Syria và Iraq.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu rằng Nga đã đồng ý đóng góp khí tài cũng như huấn luyện quân sự và tình báo cho các đội quân chống IS. Sau đó, ông Lavrov phủ nhận những thông tin trên trên truyền hình, nói rằng Moscow sẽ chỉ hợp tác với Mỹ về vấn đề IS trong khuôn khổ hợp tác song phương, hiện đang bị đình lại do lệnh cấm vận của Mỹ đối với Nga do xung đột ở Ukraine.
Georgy Engelgardt, chuyên gia hàng đầu về tình hình chính trị các nước Hồi giáo tại Nga nói rằng, lực lượng IS bao gồm một thế hệ phiến quân mới xuất hiện sau khi các phần tử đã chiến đấu ở Afghanistan và được Osama bin Laden thu nhận bị tiêu diệt dần dần bởi các cuộc xung đột liên tiếp.
Mạng lưới tình báo của Nga sẽ có thể lần theo dấu những nhân vật có liên quan đến IS bên ngoài Trung Đông, cũng như các thành phần IS đang lẩn trốn ở một nơi an toàn.
Nga cũng có thể cung cấp một số thông tin về hoạt động của phiến quân tại Syria, nơi tổng thống Bashar al-Assad là đối tác lâu năm của Nga.
Tuy nhiên, ông Engelgardt nói “thông tin có thể có hạn, bởi bản thân Assad cũng là kẻ thù của IS”.
Mặc dù tình báo Nga có thể cung cấp rất nhiều tài liệu cho chiến dịch chống lại Nhà nước Hồi giáo, quân đội Nga sẽ không làm việc này.
Một chuyên gia phân tích về đối ngoại của Nga gần đây đã phát biểu trong một cuộc họp kín tại Harvard rằng “Nga sẽ không tham gia một cuộc chiến mà Mỹ khơi mào”. Một chuyên gia về Nga khác cũng phát biểu rằng, Nga có thể kêu gọi các công ty quân sự tư nhân (PMC), trong tương lai sẽ được hợp pháp hóa theo một dự luật của Hạ viện Nga.
Thượng nghị sĩ Klintsevich, một trong sô những người thảo ra dự luật trên, nói rằng Nga cần có vài năm để có một đội ngũ lính đánh thuê có khả năng sống sót trong vùng có chiến tranh. “Thành lập một công ty quân sự tư nhân cần thời gian dài”, ông nói.
Hoạt động quân sự tư nhân của Nga tỏ ra không mấy thành công, khi năm ngoái lực lượng chống Assad ở Syria buộc một đội lính đánh thuê của Nga phải tháo chạy. Thành viên trong đội lính còn sống sót trả lời trước báo chí Nga rằng nhiệm vụ của họ chỉ là canh giữ các nhà máy điện và không được chuẩn bị trước cuộc tấn công bởi quân nổi dậy được trang bị tốt hơn.
Dù vậy, Nga đủ sức đưa các lính có kinh nghiệm chiến trường vào các công ty tư nhân. Các công ty của phương Tây tại Iraq và Syria hiện có một số lượng khá lớn lính đánh thuê Nga. Năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng phát biểu rằng, ở Syria có ít nhất 600 người Nga đang chiến đấu chống lại các phần từ Hồi giáo cực đoan.
Bên cạnh quân đội chính quy, Nga còn có một nhóm vũ trang ở Chechnya được lãnh đạo bởi Ramzan Kadyrov, một chiến binh dày dặn kinh nghiệm trong chiến tranh Chechnya và luôn gọi Nhà nước Hồi giáo là thế lực bội đạo.
Tuy nhiên quân của Kadyrov chuyên tiến hành các cuộc tập kích nhỏ lẻ trên núi và mặc dù họ là một lực lượng có tiếng, họ chưa chắc có thể đối địch với lực lượng Nhà nước Hồi giáo.
Các nhà phân tích cũng nói rằng, Nga có thể tiếp tục tiến hành việc trang bị và huấn luyện các đồng minh đã có từ thời Liên Xô. Hiện Nga vẫn vận chuyển vũ khí cho chính quyền Assad trong cuộc nội chiến đang diễn ra tại Syria và đồng thời huấn luyện sĩ quan quân đội nước này, mặc dù thông tin trên vẫn chưa được xác minh.
Năm ngoái, Lầu Năm Góc đã mua 12 trực thăng Mi-17 của Nga để hỗ trợ quân đội Afghanistan, và dự kiến sẽ có thêm 30 chiếc nữa mặc cho sự phản đối trong Thượng viện Mỹ. Các quan chức quân đội Mỹ nói rằng quân đội Afghanistan sẽ không đủ sức chiến đấu nếu không có Mi-17, được cho là dễ điều khiển “như máy cày nông nghiệp”.
Sau cùng, ông Engelgardt nói, việc Nga chấp nhận hỗ trợ Mỹ sẽ là một bước tiến đáng kể trong việc ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Nhà nước Hồi giáo, lúc này có rất nhiều kẻ thù, ngay cả trong số những người theo đạo Hồi.
Ông so sánh việc này với số phận của Taliban ở Afghanistan, lúc đó đã bị cộng đồng quốc tế cô lập và hoàn toàn bị nghiền nát bởi liên quân do Nga hỗ trợ vào năm 2001.
“Nếu các cường quốc còn cãi nhau, phiến quân Hồi giáo sẽ càng dễ phát triển”, Engelgardt kết luận.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Moscow Times - tờ nhật báo tiếng Anh hàng đầu tại Nga, phát hành từ năm 1992. The Moscow Times thuộc sở hữu của công ty Truyền thông Độc lập, công ty xuât bản truyền thông lớn của Nga và có quan điểm khác với chính quyền Moscow.