Nga có đủ tiềm lực để đáp trả cả Mỹ và NATO
Tổng Thư ký NATO Jeans Stoltenberg. |
Tổng Thư ký NATO Jeans Stoltenberg đang có chuyến công du đến Mỹ (từ 4-7/4/2016). Theo chương trình chuyến thăm, ông Jeans Stoltenberg sẽ thảo luận với giới lãnh đạo Mỹ các vấn đề liên quan đến cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và thực hiện chính sách của liên minh trong lĩnh vực “quốc phòng và kiềm chế (chống Nga)”.
Theo thông báo của Cơ quan Báo chí Nhà Trắng, trong khuôn khổ cuộc thảo luận với Jeans Stoltenberg, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ khẳng định sự thống nhất, đoàn kết với các đối tác NATO trong bối cảnh Brussels mới phải gánh chịu các vụ khủng bố.
Ngoài ra, các bên sẽ thảo luận về các vấn đề chính sẽ được đưa ra thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ được tổ chức tại Thủ đô Warsaw của Ba Lan trong thời gian từ ngày 8-9 tháng 7 tới đây.
Chủ đề thảo luận chính tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là “củng cố khả năng kiềm chế ở châu Âu, chống lại sự bất ổn ở các vùng đệm của châu Âu, tăng cường các khả năng và quan hệ đối tác của liên minh”.
Ngoài các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Mỹ, ông Jeans Stoltenberg còn dự định sẽ có các cuộc tiếp xúc với các nghị sỹ Mỹ, phát biểu tại Hội đồng NATO và chứng kiến các cuộc diễn tập quân sự của Mỹ.
Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Sputnik liên quan đến chuyến công du đến Mỹ của Tổng Thư ký NATO Jeans Stoltenberg, chuyên gia phân tích chính trị Bogdan Bezpalko, thành viên Ủy ban các vấn đề quan hệ quốc tế trực thuộc Tổng thống Nga cho rằng việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Âu nhằm theo đuổi một số mục tiêu sau:
Mục tiêu thứ nhất, liên quan đến vấn đề địa chính trị. Mỹ muốn tăng cường sự kiểm soát của mình đối với Liên minh châu Âu (EU) nói chung và các nước Đông Âu nói riêng, nhất là các quốc gia có đường biên giới với Nga.
Thứ hai, Mỹ muốn thực hiện các nỗ lực buộc các nước châu Âu chi ra nhiều tiền hơn để duy trì các bộ máy quân sự của NATO vì trước đó, phần lớn khoản kinh phí cho mục đích này do Mỹ gánh chịu.
Thứ ba, Mỹ muốn tăng cường vai trò trong NATO của các nước Đông Âu vì các nước này sẽ là đối trọng thực sự với các nước Tây Âu khi luôn muốn cố gắng bảo vệ các lợi ích riêng của mình.
Khi đó, châu Âu sẽ trở nên dễ kiểm soát, dễ bị điều khiển và chống Nga quyết liệt hơn.
Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin (bên phải). |
Cũng theo Bogdan Bezpalko, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu hiện nay cũng khác khá nhiều so với trước kia.
“Các căn cứ quân sự mới sẽ được xây dựng lên và các mẫu vũ khí mới cũng sẽ được trang bị nhưng những sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu sẽ không mang nhiều nét truyền thống.
Nếu như trước đây sự hiện diện quân sự này đồng nghĩa với các cuộc tập trận hoặc các hành động lộ rõ tính chất hiếu chiến thì hiện nay, sự hiện diện đồng nghĩa với việc tăng thêm nhiều quân đến châu Âu.
Điển hình như ở Đức, Mỹ đã bố trí rất nhiều căn cứ quân sự. Trên thực tế, người châu Âu không muốn và sẽ không gây chiến với Nga. Chỉ có các lực lượng phiến quân IS nhờ có được những sự trợ giúp nhất định mới sẵn sàng gây cho Nga nhiều phiền toái”- Bogdan Bezpalko đánh giá.
Bogdan Bezpalko cũng cho rằng không chỉ muốn đối thủ suy yếu, Washington thậm chí còn muốn cả các đồng minh của mình cũng suy yếu theo.
“Phần lớn các quốc gia châu Âu và cả Mỹ đều chỉ muốn bảo vệ các lợi ích của mình nên hoàn toàn sẵn sàng chấp nhận các tiêu chuẩn kép.
Trong bối cảnh này, họ sẵn sàng công khai ủng hộ các tổ chức tương tự như tổ chức nhà nước Hồi giáo IS. Tất cả những gì bất ổn ở lục địa Á-Âu đều mang lại lợi ích cho Mỹ vì điều đó sẽ làm suy yếu tất cả những quốc gia nào ở lục địa này.
Đồng minh suy yếu sẽ giúp Mỹ dễ dàng điều khiển hơn, còn đối thủ suy yếu sẽ giúp Mỹ dễ mặc cả hơn”- Bogdan Bezpalko nhận định.
Tuy nhiên, Bogdan Bezpalko cũng lên tiếng khẳng định rằng Moscow có đủ tiềm lực để đáp trả cả Mỹ và NATO.
“Nga phải củng cố vị thế của mình trong các lĩnh vực quân sự, chính trị và kinh tế. Sự hiện diện quân sự của NATO sẽ được tăng cường và tất nhiên Nga cần phải có cái để mà đáp trả. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều khả năng có thể đàm phán hòa bình với Mỹ và đồng minh của Mỹ.
Nga đã ngừng thực hiện Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công thông thường ở châu Âu và đang tích cực củng cố khả năng phòng thủ của mình.
Thế giới vẫn luôn thay đổi và không phải Mỹ sẽ luôn luôn thực hiện các chính sách hòa bình.
Tuy nhiên, Nga có đủ khả năng để bảo vệ các lợi ích của mình, bảo vệ đất nước mình, bảo vệ con đường phát triển của riêng mình”- Bogdan Bezpalko kết luận.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ RIA Novosti, một trong những hãng tin lớn nhất tại Nga, đặt trụ sở chính tại Moscow và hơn 80 văn phòng trên khắp thế giới.