Nga có dễ dàng phá "băng" quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Putin. |
“Ankara nên nắm lấy cơ hội này để hàn gắn mối quan hệ với Nga, một nước đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ những lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực này”, ông Mehmet Seyfettin Erol, Giáo sư môn quan hệ quốc tế tại Đại học Gazi, nhận định.
Quan hệ giữa Ankara và Moscow trở nên xấu đi sau khi không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, gây ra một cuộc khẩu chiến ngoại giao giữa hai nước.
Nga đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm việc cấm đi lại, ngừng cơ chế miễn thị thực, đóng băng các kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt của Nga tới châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara chưa thực hiện các biện pháp trả đũa kinh tế nhằm tránh leo thang tình hình vốn đã căng thẳng, song không ngần ngại sử dụng những lời chỉ trích gay gắt nhằm vào Nga.
Ngày 31/5, trong một phát biểu gây ngạc nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói rằng ông muốn cải thiện quan hệ với Nga và than phiền rằng quan hệ hai nước đã bị hi sinh bởi cái mà ông gọi là “sai lầm của phi công”.
Ông cho biết ông đã không hiểu được “bước tiến đầu tiên” mà Nga mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện để hàn gắn quan hệ xấu đi là gì.
Phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi tân Thủ tướng nước này Binali Yildirim đã cam kết sẽ tăng bạn bớt thù cho Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu của ông được coi là báo hiệu sự thay đổi và điều chỉnh chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mossocw đã nhanh chóng phản hồi trước phát biểu của ông Erdogan với việc Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 2/6 đã nhắc lại danh sách những yêu cầu của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông cho biết Moscow vẫn đang đợi Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra lời xin lỗi chính thức và bồi thường trong vụ việc này. Các quan chức Nga trước đây cũng đã yêu cầu trừng phạt những người chịu trách nhiệm trong vụ bắn hạ máy bay Nga.
“Có lẽ Nga đã có chút thay đổi giọng điệu qua phát biểu mới đây của Tổng thống Putin tại Athens, song họ không thay đổi yêu cầu của mình. Họ muốn được xin lỗi và bồi thường”, ông Suat Taspinar, phóng viên nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ chuyên theo dõi quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga suốt 20 năm qua, nhận định.
Còn giáo sư Erol thì nhấn mạnh: “Miễn là hai bên đều có quyết tâm chính trị muốn bình thường hóa quan hệ, tôi chắc rằng cơ quan ngoại giao hai bên có khả năng đưa ra một giải pháp mà cả hai nước có thể chấp nhận được”.
Ông Asli Aydintasbas, một chuyên gia khác của Thổ Nhĩ Kỳ về chính sách đối ngoại, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy bắt buộc phải thực hiện sự thay đổi toàn diện trong chính sách đối ngoại và quan hệ với Nga đóng vai trò quan trọng trong chiến lược mới này.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. |
Ngày 31/5, Moscow dường như lại đặt ra trở ngại trước việc bình thường hóa quan hệ hai nước khi yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân khỏi Iraq. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói rằng sự có mặt của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq “là hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Phát biểu này là sự tán thành quan điểm chính thức của chính quyền Baghdad.
Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì quân đội của mình tại căn cứ gần tỉnh Mosul để huấn luyện lực lượng địa phương, bao gồm các tay súng Arab và người Kurd chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nước này cho rằng sự có mặt của họ là đúng theo thỏa thuận giữa hai nước.
Moscow cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí và các mặt hàng hậu cần khác bất hợp pháp cho IS ở Syria, thậm chí các thành viên gia đình Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng liên quan tới việc buôn lậu dầu mỏ ở Syria.
Theo chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Karagul, giờ Thổ Nhĩ Kỳ cần phải có thái độ mềm mỏng với Nga. Song ông cũng nhấn mạnh rằng Ankara còn lâu mới có ý định đưa ra lời xin lỗi và bồi thường vào lúc này.
Ông cảnh báo: “Đừng mong đợi sẽ sớm có cải thiện (trong quan hệ với Nga)”, và nói thêm rằng sự cải thiện quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga sẽ diễn ra sau khi có những thay đổi trong chính sách với Syria của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Cenk Baslamis, Giảng viên Đại học Istanbul và là cựu phóng viên ở Moscow suốt hơn 20 năm thì cho rằng: “Cái bình đã vỡ thì sớm muộn cũng được gắn lại, song nó sẽ chẳng bao giờ được như cũ. Hai nước đã rất khó khăn khi xây dựng lòng tin trong quá khứ. Lòng tin đó đã bị tổn hại”.