Nếu Ngoại trưởng Mỹ Tillerson từ chức, quan hệ Nga - Mỹ cũng không thể "ấm lên"
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson |
Mới đây trong cuộc phỏng vấn với hãng tin RIA Novosti, ông Alexei Fenenko - giảng viên bộ môn An ninh quốc tế thuộc khoa Chính trị thế giới trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow đưa ra nhận định rằng, khả năng ông Rex Tillerson từ chức Ngoại trưởng Mỹ sẽ không thay đổi bất cứ điều gì trong chính sách của Mỹ đối với Nga.
Ông Tillerson đã nhiều lần bị chỉ trích khi tầm ảnh hưởng của ông trên trường quốc tế quá nhỏ, trong khi chính quyền ông Trump vẫn tiếp tục khiến các nước đồng minh của Mỹ lo ngại rằng Washington đang hướng về phía Nga và sẽ không tiếp tục thực hiện những cam kết giữa họ và Mỹ.
Trước đó kênh CNN dẫn nguồn tin cho biết, ông Tillerson có lẽ sẽ xem xét khả năng rời khỏi chức vụ Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Ông Fenenko nhận xét: "Việc thay đổi các gương mặt hàng đầu trong chính quyền không phải là tin mới, mà là truyền thống thường thấy trong nền chính trị Hoa Kỳ. Đây là một thực tế phổ biến, việc lộn xộn này xuất hiện tại tất cả bộ máy chính quyền...". Cụ thể hơn, ông dẫn chứng rằng dưới thời chính quyền Bill Clinton, George HW Bush hay Barak Obama thì chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng đều bị thay thế trong một thời gian ngắn.
Theo chuyên gia, các chính trị gia Mỹ thường đưa ra quyết định từ chức để bảo vệ danh tiếng của mình cho sự nghiệp trong tương lai.
Ông cho biết: "Các chính trị gia Mỹ rất thường xuyên đi tới quyết định này chỉ với một mục đích - hy vọng bảo vệ cho sự nghiệp trong tương lai, để theo như cách họ nói, họ sẽ không chịu trách nhiệm trước lịch sử đối với các hành động của Tổng thống".
Ông Fenenko tin rằng khả năng ông Tillerson phải từ chức sẽ không làm thay đổi bất cứ điều gì, bao gồm cả các chính sách đối với Nga - quốc gia "trong khả năng hiện tại của mình được xem là một đối thủ của Mỹ".
Giảng viên Đại học Moscow phân tích: "Hệ thống của Mỹ được thiết kế sao cho không có một vị bộ trưởng nào được đóng một vai trò quan trọng, và vị trí này thường chỉ có chức năng trang trí và đại diện. Vai trò quan trọng ở đây thực sự được nắm giữ bởi bộ máy quan liêu phi đảng phái, hay còn gọi là đế chế chính trị truyền thống của Washington. Các trợ lý kỹ thuật sẽ được giữ lại để tiếp tục làm việc".
Ông Fenenko cho rằng trong trường hợp ông Tillerson từ chức, thì vị trí này có thể được xem xét giao cho đại diện của một viện nghiên cứu nào đó, ví dụ như RAND - Viện nghiên cứu chính sách của chính phủ Mỹ.