Nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên (I)
![]() |
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đi thăm một đơn vị pháo binh tầm xa. |
Muốn thống nhất nhưng…
Từ nhiều năm nay, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều tuyên bố mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của mình là thống nhất hai miền đất nước. Nhưng điều đáng buồn là chính mục tiêu này lại là căn nguyên của hầu hết các xung đột vì cả hai bên đều muốn thống nhất theo kiểu “bắt phía bên kia phải quy phục theo hệ tư tưởng của mình”.
Đối với giới chính trị và quân sự của Triều Tiên, thống nhất đất nước đồng nghĩa với việc mất chính quyền và phải đối mặt với tòa án quốc tế. Còn với Hàn Quốc, thống nhất là một “bước thụt lùi” dựa vào bài học của Cộng hòa Liên bang Đức. Theo quan điểm của Seoul, sự chênh lệch về quy mô kinh tế lên đến hơn 30 lần giữa hai miền, khi thống nhất sẽ kéo theo các chi phí rất lớn và ảnh hưởng đến mức sống cao của người dân miền Nam.
Và chính những tính toán này đang khiến Triều Tiên ngày càng có những hành vi quá khích còn Hàn Quốc thì quyết không nhân nhượng, đẩy tình hình bán đảo Triều Tiên vào những đợt căng thẳng triền miên.
Tiềm lực quân đội Triều Tiên
Nguy cơ nổ ra chiến tranh ở hiện tại chưa phải là cao nhưng liên minh Mỹ - Hàn vẫn ngày đêm chuẩn bị và lên kế hoạch ứng phó. Xem xét tương quan lực lượng là một bước đi không thể thiếu.
Theo thông tin được công bố trong bản báo cáo “Bắc Triều Tiên: Những kịch bản quân sự có thể xảy ra” do Trung tâm nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ, hiện nay Triều Tiên có khoảng 1 triệu binh sỹ (một số nguồn khác cho rằng 1,3 triệu). Giới chuyên gia đặc biệt chú ý đến lực lượng “đặc nhiệm” được đào tạo rất tốt lên tới gần 90 nghìn người. Đây là một trong những lực lượng đặc nhiệm lớn nhất thế giới. Ngoài ra nước này còn sở hữu lực lượng dự bị lớn từ 5 -9 triệu người.
![]() |
Hiện nay Triều Tiên có khoảng 1 triệu binh sỹ |
Cũng theo cơ quan nghiên cứu này, đội quân dự bị này có được là nhờ chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với công dân từ 17 đến 60 tuổi. Tất cả lực lượng dân quân được liệt vào các đội “Cảnh vệ đỏ thanh niên”, “Đội bảo vệ đỏ công - nông”, các đội “Đơn vị huấn luyện dự bị quân đội”.
Kho vũ khí thông thường mà Bình Nhưỡng đang sở hữu được các nhà phân tích quân sự phương Tây thừa nhận là rất lớn tuy rằng đa số đã lỗi thời. Trong phiên chế của quân đội Triều Tiên có khoảng 13 ngàn khẩu pháo (nhiều nhất thế giới), trong đó có các hệ thống hỏa tiễn phóng loạt của Liên Xô (107ly và 240 ly), pháo cao xạ (100 ly), pháo hạng nặng cỡ nòng 170 ly, các tổ hợp tên lửa S-200, S-125 “Neva”, S-75 “Dvina”. Triều Tiên có gần 2.000 xe bọc thép BTR và BMP cũng như từ 3.700 đến 4.000 xe tăng, gồm các loại: Xe tăng hạng nhẹ PT-76; T-62 và T-63; Xe tăng hạng trung T-54, T-55, T-59.
Lực lượng phòng không có 1600 thiết bị bay. Trong phiên chế có 780 máy bay tiêm kích và 80 máy bay ném bom chiến lược, chủ yếu là các loại của Liên Xô như MiG-15, MiG-17, MiG-21 và IL-28. Ước đoán, nước này còn sở hữu một số lượng máy bay Mi-2, Mi-4, Mi-8, Mi-17 và Hughes-500. Các thiết bị bay được bố trí tại 20 cơ sở phòng không chiến lược, một số liệu khác cho biết Triều Tiên còn có 70 căn cứ phòng không đang tạm ngừng hoạt động song có thể được đem ra sử dụng trong khi xảy ra chiến tranh.
Hạm đội hải quân của Triều Tiên cũng được trang bị gần 1.000 tàu chiến, được chia thành “Hạm đội biển phía Tây” và “Hạm đội biển phía Đông”. Triều Tiên có tất cả 19 căn cứ hải quân. Các lực lượng chính của hạm đội gồm có 430 tàu hộ tống, tàu tên lửa và tàu phóng ngư lôi.
![]() |
Giới chuyên gia Mỹ thừa nhận các tàu tên lửa được trang bị tên lửa chống tàu P-15 “Termit” – loại tên lửa được cho là mối đe dọa tiềm tàng nhất đối với kẻ thù. Ngoài ra, lực lượng hải quân Triều Tiên còn được trang bị 90 tàu ngầm. Trên thực tế, trong số đó chỉ có 26 chiếc có thể lặn xuống được độ sâu đáng kể, số còn lại chỉ được sử dụng ở những khu vực ven bờ.
Để bảo vệ bờ biển, Triều Tiên đã thành lập ít nhất 250 căn cứ được trang bị vũ khí cao xạ. Theo số liệu hiện có, các binh chủng tên lửa chiến lược của Triều Tiên đang sở hữu một số lượng tên lửa không đáng kể có khả năng vượt qua khoảng cách hơn 1.000 km. Tầm bắn xa hạ mục tiêu của tên lửa Rodong-1 có thể đạt tới 1.300km. Bình Nhưỡng hiện đang sở hữu khoảng 200 quả tên lửa loại này, trong khi đó các dự án Taepodong-1 (có tầm bắn đến 2.500 km), BM25 Musudan (lên tới 4.000 km), Taepodong-2 (lên tới 10.000km) hiện vẫn chỉ tồn tại dưới dạng hình mẫu, hiệu quả trong chiến đấu chưa rõ ràng.
Về lý thuyết, các tên lửa của Triều Tiên có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hoặc trở thành phương tiện mang vũ khí hóa học.
(Còn nữa)