Nảy sinh lo lắng trước phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020
“Nếu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp thì học sinh lớp 12 sẽ "trở tay không kịp". Các trường ĐH cũng sẽ bị động trong việc tuyển sinh”, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy môn Toán tại Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.Hà Nội) nhận định.
Liên quan đến vấn đề tổ chức kỳ thi THPT 2020, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, do bối cảnh của dịch bệnh Covid-19 nên dự kiến kỳ thi tổ chức vào tháng 8/2020 muộn hơn mọi năm. Thời điểm này, cả Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học đã có hiệu lực thi hành (Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ 01/7/2019 và Luật Giáo dục có hiệu lực từ 01/7/2020). Do vậy, sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là tổ chức an toàn, nghiêm túc lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. Kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Trước phương án tổ chức kỳ thi trên của Bộ GD-ĐT, nhiều người lại tỏ ra băn khoăn, lo lắng.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy môn Toán tại Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.Hà Nội) nêu ý kiến: “Như vậy, kỳ thi chỉ đóng duy nhất 1 vai là để xét tốt nghiệp, và Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh là kỳ thi này chỉ để xét tốt nghiệp THPT còn trường đại học (ĐH) tuyển sinh theo tự chủ”.
Theo phân tích của thầy Tùng, nếu tổ chức như phương án Bộ GD&ĐT vừa công bố thì học sinh lớp 12 sẽ "trở tay không kịp". Bởi lẽ, từ trước đến nay Bộ vẫn nói giữ nguyên phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như năm 2019 và các em học sinh đều ôn thi theo hướng đó.
Nếu các trường ĐH không sử dụng được kết quả của kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 để tuyển sinh sẽ dẫn đến hiện tượng “trăm hoa đua nở”, mỗi trường tuyển sinh một kiểu. Nhất là khi rất nhiều trường ĐH vẫn trông chờ vào kết quả thi quốc gia để xét tuyển ĐH và chưa có phương án cho riêng mình. Vậy là các trường ĐH cũng sẽ bị động trong việc tuyển sinh.
Đề thi với mục tiêu xét tốt nghiệp tất nhiên nội dung sẽ dễ, không có sự phân hóa. Nếu các trường lấy làm căn cứ xét tuyển ĐH thì đầu vào không đảm bảo, nguồn tuyển chất lượng cao không có.
"Tôi không hiểu tại sao trong thời điểm học trong dịch bệnh mà Bộ GD&ĐT lại thay đổi phương án gây xáo trộn lớn như vậy. Cứ tổ chức kỳ thi như năm ngoái, không tốn kém gì thêm, đúng như đề tham khảo Bộ vừa công bố, một kỳ thi đóng hai vai vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh ĐH là hài hòa, thuận lợi cho số đông" - thầy Tùng nói.
Ảnh minh họa |
Theo PGS.TS Ngô Minh Xuân - Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, chuẩn bị cho tổ chức thi tuyển sinh riêng trong khoảng thời gian chưa đầy 4 tháng rất khó. "Thực sự tôi rất lo lắng và căng thẳng. Theo tôi, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ không thể phân hóa, phân chia năng lực học sinh. Do đó, rất khó để các trường sử dụng kết quả để tuyển sinh. Đầu vào chất lượng là tiền đề rất quan trọng, nhất là khối ngành sức khỏe. Nhà trường phải tính toán rất kỹ", PGS. Ngô Minh Xuân nói.
Còn TS.Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Thủy Lợi thì nêu quan điểm rằng chọn phương án nào cho khả thi nhất thì phải xem xét đến một số yếu tố cơ bản như: Học sinh, người học được gì sau kỳ thi đó? Sau đó có phải tham gia các kỳ thi khác hay không? Kết quả kỳ thi đó làm gì, nếu chỉ để có bằng tốt nghiệp THPT không thôi thì có đáng phải tổ chức 1 kỳ thi không?
Theo TS. Trần Khắc Thạc, trong bối cảnh dịch COVID -19 diễn biến phức tạp như hiện nay, các em học sinh nói chung và học sinh lớp 12 nói riêng đã rất mệt mỏi thì việc tinh gọn, giảm tải kỳ thi là cực kỳ cần thiết.
“Một kỳ thi tối ưu là phải không gây rối loạn về tâm lý, rối loạn về định hướng cho học sinh; không gây rối loạn về cách thức xét tuyển vào ĐH, cao đẳng nghề; không gây thêm tốn kém cho xã hội, người dân trong bối cảnh cuộc sống đã đang gặp rất nhiều khó khăn do COVID-19 gây nên”, TS. Trần Khắc Thạc cho hay.
Đại Minh