Nạn nhân vụ sập giàn giáo Formosa: "Tôi nghĩ mình đã chết!"
Một nạn nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh với thương tích nặng sau vụ sập giàn giáo (ảnh: TH) |
Về vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa (Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), đến 15h ngày 26/3 Sở Y tế Hà Tĩnh báo cáo có 41 người bị tai nạn thương vong, trong đó có 13 người đã tử vong, 28 người bị thương, trong đó có 4 người bị thương nặng tiên lượng khó có thể qua khỏi.
Giá như nhà thầu dự đoán được sự nghiêm trọng?
Khi PV Infonet tiếp cận các nạn nhân đang được cứu chữa tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), trên khuôn mặt các nạn nhân còn in dấu sự lo lợ, bàng hoàng và khủng hoảng.
"Trời mưa. Bầu trời mù mịt, mây giăng kín bao trùm đại công trường Formosa, thường lệ 7h chúng tôi xuất phát đến công trường làm việc. Những tiếng gò rèn, người làm việc rộn ràng cả khu công trường. Chúng tôi vẫn miệt mài làm, trèo leo lên từng bậc cấp của hàng rào thép buộc sắt, đổ bê tông, bất ngờ một tiếng rung nhẹ, rồi một tiếng nữa, tôi giật thót tim. Tiếng đồng thanh hô lên, đề nghị mọi người chú ý, có sự cố. Ngay lập tức anh, em công nhân đã thông báo cho người đại diện nhà thầu biết" – anh Trần Quang Tuấn, một nạn nhân trong vụ tai nạn (SN 1973, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) kể lại.
Ngừng trong giây lát, anh Tuấn nói tiếp: "Câu trả lời chúng tôi nhận được từ phía nhà thầu Sam Sung là đề nghị công nhân tiếp tục quay lại làm việc, tiếng rung nhẹ đó không ảnh hưởng gì. Chúng tôi là người làm thuê, nhà thầu bảo sao thì mình nghe vậy. Đâu ngờ, vừa leo lên hàn, nối được một múi sắt, giàn giáo cao gần 20m đổ cái sầm. Tôi nghĩ mình đã chết. Chỉ đến khi được các lực lượng chức năng đưa đến bệnh viện thì mới nhận ra, mình vẫn còn sống. Nhìn xung quanh thấy các nạn nhân đông nghịt, chật cứng bệnh viện. Tiếng nói, bước chân rộn rã, khẩn cấp của các y, bác sĩ mơ màng trước mắt tôi".
Sự cố sập giàn giáo tại Formosa khiến hàng chục người thương vong (ảnh: TH) |
Anh Nguyễn Văn Tài (SN 1993, tỉnh Nghệ An), công nhân mới làm việc được 1 tuần tại công trường Formosa, nhớ lại: "Tôi bị vùi dưới lớp sắt thép. Loay hoay, cố thoát khỏi đống hỗn lộn nhưng chân tay đau buốt. Tôi nằm bất động. Tiếng còi hú, xe chạy rầm rầm, tiếng người hô hào khẩn trương cứu các nạn nhân ra khỏi đống sụp đổ. Tôi hét lên, ở đây, cứu tôi với. Tôi được một nhóm người đến hất tung lớp sắt thép lôi ra, đưa lên cáng, đi nhập viện. Chỉ đến sáng nay, tôi mới cầm máy gọi điện về cho gia đình biết, gia đình tôi đã tán loạn lên, lo lắng".
Mất mát lần này quả rất “đắt”, người tử nạn quá nhiều, người bị thương hàng loạt. Công nhân đều từ các tỉnh khác về đây làm ăn, chăm chỉ làm việc cũng vì đồng tiền, nhưng giờ mất hết rồi. “Công trình đó, một ngày hoạt động 2 ca. Một công nhân đảm nhận 1 ca/ngày (mỗi ca 7-8h), nhận tiền công là 21.500 đồng/giờ/người. Tính ra số tiền công cũng chỉ hơn 170 ngàn đồng/ngày/người. Nếu muốn có thêm thu nhập thì tăng ca, thêm 3h nữa. Trong khi đó, áp lực công việc cao, đòi hỏi phải có sức khỏe, độ an toàn thấp vì thường xuyên leo trèo ở độ cao công trình lớn" – anh Cao Dương Nam (SN 1980, người tỉnh Nghệ An), người quản lý tổ vận hành công trình phân trần.
Anh Nam cũng nhấn mạnh, số tiền mỗi công nhân nhận được là tính theo giờ nên việc nghỉ, giải lao đều phải được sự cho phép của người quản lý công trình. Sự cố rung lắc giàn giáo dù đã được báo trước nhưng “số đen” vẫn phải chịu. Mệnh của 47 công nhân làm việc trực tiếp đã không may mắn!
Công nhân Tạ Minh Hoàng (SN 1986, tỉnh Ninh Bình) khi kể lại sau sự cố sập giàn giáovẫn còn bần thần. Anh nói: "Đến giờ tôi vẫn bấn loạn tinh thần. Lúc đó, chỉ nhớ tiếng khóc la, kêu cứu thất thanh vọng ra từ đống đổ nát, vang dội cả đất trời. Đâu đó tiếng hét lên “Trời ơi, chết hết rồi!”".
"Tôi nghỉ làm việc luôn"
Các nạn nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh (ảnh: TH) |
Khi phóng viên tiếp cận một nạn nhân tên Trần Văn Tuấn (SN 1973, quê huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), chưa kịp hỏi nhiều, anh nói ngay: "Tôi sợ lắm rồi. Sau sự cố lớn này, tôi nghỉ làm việc luôn. Về quê, tìm một công việc nhẹ nhàng, an toàn hơn".
Cũng đồng suy nghĩ với anh Tuấn, anh Nguyễn Văn Tài (SN 1993, quê tỉnh Nghệ An) đang nằm đau đớn với những vết thương bầm tím trên khuôn mặt, anh nói: "Tôi cũng vậy, qua đợt này về quê hẳn luôn. Hợp đồng lao động 2 năm chắc tôi cũng cắt luôn. Tôi đã bị chấn động mạnh, khủng hoảng tinh thần rất lớn".
Bà Doãn Thị Kỷ (SN 1966) đến chăm con trai là anh Nguyễn Văn Linh (SN 1992, quê huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Thường cứ 8h tối hàng ngày tôi gọi điện hỏi thăm con ăn uống, làm việc. Nhưng lần này, tôi gọi nó không nghe máy. Sau đó gọi lại thì bảo là con đang bận. Đến khi nó vào viện thì mới nói, có tai nạn tại công trường, nhưng con đã may mắn thoát chết. Mẹ đến bệnh viện gấp. Tôi vội vàng đến viện, khi thấy con mình nằm đó, tôi lấy tay thoa khắp cơ thể nó, rồi ôm chầm thằng con mà khóc òa lên “Ơn trời, con tôi không sao”.
Trong câu chuyện, anh Linh tâm sự: "Đợt này tai qua nạn khỏi, nhưng thương cho những công nhân khác. Ra viện, tôi cũng nghỉ làm việc tại Formosa luôn".