Năm học mới và mơ ước “lên bờ” của trẻ em vạn chài
12 tuổi mới được đi học
Cùng nghề chài lưới, 18 tuổi chị Trần Thị Dung và anh Bì Văn Cường đã thành vợ thành chồng. Nay mới 38-39 tuổi mà con gái đã 20 tuổi, hai vợ chồng với cuộc sống khốn khó trên sông, nuôi 3 đứa con nên trông họ già trước tuổi.
Chị Dung và con trai Bì Văn Chiến năm nay lên lớp 2 |
Mải miết mưu sinh, cuộc sống tách biệt trên bờ nên đứa con gái đầu đã 20 tuổi của anh Cường, chị Dung vẫn chưa biết chữ. Cô bé sớm tối cùng bố mẹ chài lưới hoặc lên bờ đi làm thêm để kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Không có “mảnh đất cắm dùi” dù hộ khẩu nhà chị Dung thuộc phường Phú Thượng, Hà Nội. Ba bốn đời ông bà cụ kị của anh Cường đều làm nghề chài lưới. Anh chị cũng chẳng nghĩ đến một ngày nào đó sống trên bờ nên cứ ở riết dưới thuyền rồi quen. Đến lúc cuộc sống đổi thay nhiều, họ nhận ra cần một bến đậu bình yên thì đất đai đắt đỏ, ước mơ có một ngôi nhà nhỏ trên bờ trở nên xa vời.
Chị Dung tâm sự: “Năm vừa rồi cày cục mãi mới lo được cho 2 con học lớp 1, đứa chị năm nay 12 tuổi, đứa em năm nay 9 tuổi mới bắt đầu vào lớp 1; Năm học 2015-2016 này cả hai đứa cùng lên lớp 2 Trường tiểu học Phú Thượng.”
Trên bức ván của con thuyền, những tấm giấy khen được treo trang trọng. Cháu Bì Thị Vân và Bì Văn Chiến vừa học được một năm cũng được quà từ trường với danh hiệu Vượt khó học giỏi.
Mơ ước “lên bờ”
Khi thấy khách khen ngôi nhà màu xanh của anh chị đẹp và thơ mộng quá, chị Dung cho biết “ngôi nhà” mới được làm chưa đầy 1 năm nay do anh em nội ngoại góp gom giúp sức làm một chiếc thuyền chắc chắn để chống chọi với mùa mưa bão.
Chị Dung cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của anh em ruột thịt nên cũng có chỗ cho các con sống, cho chúng nó đỡ khổ khi phải lênh đênh cùng bố mẹ.”
Trên gương mặt khắc khổ của chị Dung ánh lên niềm vui khi nhắc đến chuyện các con được đi học. Chị kể: “Các cô giáo khen ngoan, thông minh nên mẹ cũng đỡ tủi phần nào. Trước đây các cháu đòi đi học nhưng vì gia đình nghèo quá nên đành cho các con ở nhà. Bây giờ được miễn giảm học phí nên cũng cố cho chúng nó được đi học cho đỡ tủi thân.”
Cháu Bì Thị Vân 12 tuổi và em trai năm nay lên lớp 2 của trường Tiểu học Phú Thượng |
Cá trên sông ngày một ít đi. Có nhiều khi cả hai vợ chồng làm cả ngày không được vài cân cá. Và chắc chắn mai kia còn khó khăn hơn nên để đủ ăn đã là một sự cố gắng vất vả.
Cháu Bì Thị Vân cho biết: “Cháu đi học thì đi bộ, cách thuyền hơn 1 km, ngày nào hai chị em cũng đi cùng nhau qua đường mới đến được trường. Nhưng sáng nào bọn cháu cũng dậy đi học rất đúng giờ. Tháng 10, tháng 11 còn đỡ chứ mùa mưa bão cơn cớ khổ lắm cô ạ.”
Chị Dung cho biết thêm: “Khi mưa bão, có những thời điểm phải cho trẻ con sơ tán lên bờ, không thì sợ lắm. Nhìn con thuyền chắn chắn thế thôi nhưng mỗi mùa mưa bão thì khổ sở không ai biết trước được.”
Chị Dung cho biết, mùa mưa nhiều chú công an xuống thăm, bảo để bố mẹ ở trên thuyền thôi, còn cho trẻ con vào phường ở nhưng chị không muốn cho bọn trẻ xa bố mẹ, trừ những trường hợp khẩn cấp.
Mặc dù neo đậu bên bờ sông nhưng để trồng thêm rau trái cải thiện cũng khó. Chị Dung nói, ngày xưa chưa xây cầu Nhật Tân còn mảnh đất trồng rau, giờ xây cầu rồi, nhiều gia đình dạt ra đây nên đất trồng rau cũng mất.
Chị Dung kể: “Hai vợ chồng làm cả ngày, chỉ nghỉ 3 tiếng, 1 tiếng nghỉ trưa, 2 tiếng nghỉ đêm, còn tháng 2-3 thì cả ngày quăng lưới. Trên sông quăng lưới cũng như xe ôm ở trên bờ, xếp hàng mới đến lượt, người này kéo lên mới đến lượt người khác quăng xuống chứ không phải mạnh ai nấy làm.Nhiều hôm nước lạc dòng chạy rất mệt, rồi rác rưởi bám vào cũng làm cho tốc độ bị cản, chậm hơn nhiều, làm cho những cuộc đi đánh cá cũng khó khăn hơn.”
“Thấy cuộc sống của vợ chồng con cái vất vả nhiều cô, chú họ hàng cũng động viên, bảo rằng thôi vợ chồng mày chịu khó, rồi cũng có ngày sướng hơn, cuộc sống dễ chịu hơn. Anh Cường nhìn vợ con khổ nhiều khi cũng muốn lên bờ lắm nhưng không có nhà để lên nên vẫn phải chung sống với nghề chài lưới ven sông.”- Chị Dung ngậm ngùi.
Nhìn những đứa trẻ con chị Dung anh Cường mặt mũi đen nhẻm vì nắng gió nhưng trong đôi mắt chúng luôn ánh lên niềm vui khi nhắc đến mơ ước “lên bờ”…
Chúng quả quyết: “Mai này bọn cháu sẽ lên bờ thôi, đánh cá như bố mẹ bây giờ khó lắm.”