Nam Bộ mưa to, di dời hơn 10.000 dân tránh bão
Nam Bộ mưa to, di dời hơn 10.000 dân tránh bão
Trước diễn biến phức tạp của bão số 1, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Cứu nạn Trung ương, các địa phương đã chủ động có phương án sẵn sàng sơ tán dân khi có bão đổ bộ trực tiếp và khi xảy ra lũ với tổng số người dự kiến 51.998 hộ/208.232 người.
Tính đến 24h ngày 31/3, tổng hợp thông tin ban đầu về sơ tán dân như sau: tỉnh Bình Thuận đã di dời 175 hộ /857 người trên đảo Phú Quý, tỉnh Tiền Giang: đã di dời 7.854 người (trong đó có 692 người tự sơ tán), tỉnh Bến Tre đã bắt đầu di dời từ 17h30 hôm qua.
Tại TP.HCM huyện Cần Giờ dự kiến di dời khoảng 3.748 hộ/15.021 người, riêng đảo Thạnh An dự kiến di dời 3.000 người (ở cù lao Phú Lợi). Tới tối qua, TP.HCM đã sơ tán được 1.400 hộ ở đảo An Thạnh.
Trong khi đó, ngày 31/3, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã cử đoàn công tác do ông Nguyễn Xuân Diệu, Ủy viên thường trực làm trưởng đoàn cùng đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn... trực tiếp tới các tỉnh Bà Rịa Vũng Tầu, Bình Thuận và tiếp tục đi các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre chỉ đạo đối phó với bão số 1.
Ngư dân ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) neo đậu tàu thuyền tránh bão. (Ảnh Thanh Niên). |
Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo bố trí lực lượng trực 24/24h sẵn sàng huy động khi có lệnh gồm: 7 tàu hải quân, 6 máy bay, 3 tàu cảnh sát biển, 3 tàu tìm kiếm cứu nạn, 1.811 CBCS Bộ đội biên phòng/37 phương tiện các loại, 13.356 dân quân tự vệ. Bộ Tư lệnh Quân khu 5, 7, 9 đã thiết lập sở chỉ huy tiền phương tại Phan Thiết, Thị xã Bà Rịa, Cần Giờ, TP Tân An.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với Bộ Ngoại giao, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam tổ chức cứu hộ, cứu nạn 2 tàu cá Quảng Ngãi tại khu vực đảo Phú Lâm. 22 ngư dân trên tàu của ông Nguyễn Văn Tiền (ở Phan Thiết, Bình Thuận) bị chìm trong bão cũng đã được 3 tàu cá của Bình Thuận cứu vớt, người an toàn, hiện đang được trú ẩn tại phía đảo Trường Sa.
Về tình hình thiệt hại, theo báo cáo nhanh ngày 31/3, thiệt hại sơ bộ ban đầu tính đến 19h tối qua, bão số 1 làm sập đổ 161 nhà, 741 nhà tốc mái, 6 trường học bị hư hỏng, 8.600 ha lúa bị hư hại... trên địa các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Long An.
Thông tin về tình hình thiệt hại sẽ tiếp tục cập nhật.
Chiều nay (1/4), bão ảnh hưởng trực tiếp tới Đông Nam Bộ Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đến 10h ngày 1/4, vị trí tâm bão cách bờ biển Bình Thuận – Bến Tre khoảng 140km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 ( 62-74 km/h), giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 1 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22j ngày 1/4, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,4 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên đất liền TP.HCM – Tiền Giang – Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49 km/h), giật cấp 7, cấp 8.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 10h ngày 2/4, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên địa phận Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/h). Do ảnh hưởng của bão vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bến Tre (bao gồm cả khu vực đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng biển từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, cấp 6; riêng vùng biển từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Bến Tre (trong đó có vùng biển Cần Giờ - TP.HCM) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Từ chiều nay, bão số 1 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ, TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Vùng ven biển các tỉnh từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Bến Tre gió sẽ mạnh dần lên cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Khu vực Nam Bộ có mưa rào và dông, trong cơn dông cần đề phòng có tố, lốc. Miền Đông Nam Bộ và vùng ven biển phía Đông có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt cần quan tâm đến các hồ chứa trên địa phương. |
THỦY NGUYÊN