Myanmar hứa sẽ dừng mua vũ khí của Triều Tiên
Myanmar hứa sẽ dừng mua vũ khí của Triều Tiên
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Tổng thống Myanmar Thein Sein. |
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho hay trong cuộc họp với Tổng thống Lee Myung-bak, Tổng thống Myanmar Thein Sein tuyên bố nước này chưa bao giờ hợp tác hạt nhân với Triều Tiên nhưng có buôn bán các loại vũ khí thông thường với Bình Nhưỡng.
Ông Thein Sein đã nói với ông Lee rằng Myanmar sẽ không mua vũ khí từ Triều Tiên nữa, tuân theo lệnh cấm của Liên Hợp Quốc.
Ông Lee hiện đang có chuyến thăm chính thức đến Myanmar, chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc kể từ khi các binh sĩ đặc nhiệm Triều Tiên tiến hành vụ đánh bom đẫm máu nhằm ám sát tổng thống Hàn Quốc vào năm 1983.
Sau vụ tấn công năm 1983, Myanmar đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên nhưng đã nối lại vào năm 2007 nhằm tìm kiếm đồng minh đối mặt với các lệnh cấm vận dành cho Myanmar do vi phạm nhân quyền và không thành lập một chính phủ dân chủ. Sau đó, Myanmar cũng bắt đầu mua vũ khí từ Triều Tiên và bị nghi ngờ nhận công nghệ hạt nhân từ Bình Nhưỡng.
Myanmar hiện đang từng bước thoát khỏi sự cô lập trên trường quốc tế sau khi lãnh đạo của quân đội qua nhiều thập kỷ chấm dứt vào năm ngoái. Những thay đổi của Myanmar bộc lộ rõ khi Tổng thống Hàn Quốc ngày hôm qua đã đến gặp mặt nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, người đã bị quản thúc tại gia trong nhiều năm nhưng giờ đã trở thành nghị sĩ quốc hội.
Sau cuộc gặp kéo dài 45 phút, bà Suu Kyi cho rằng Hàn Quốc và Myanmar có nhiều điểm chung để có thể “tiến bước trên con đường gập ghềnh tới nền lãnh đạo dân chủ”.
Tổng thống Lee nói rằng ông đánh giá cao những nỗ lực của Tổng thống Thein Sein trong vấn đề dân chủ hóa khi hai ông gặp nhau hôm thứ Hai. Ông Lee cũng cho biết ông nói với ông Thein Sein rằng ông hi vọng chính phủ Myanmar “sẽ kiềm chế bất kỳ hoạt động nào” với Triều Tiên có thể vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Ông nói đây là một lời đề nghị chính thức đối với chính phủ Myanmar.
Liên Hợp Quốc có một nghị quyết cấm các quốc gia tiếp nhận tất cả vũ khí từ Triều Tiên trừ những vũ khí, khí tài hạng nhẹ.
Hôm qua, ông Lee cũng đã có chuyến thăm ngắn đến hiện trường vụ đánh bom năm 1983, Lăng tử sĩ, nơi có đài tưởng niệm cha của bà Suu Kyi, anh hùng giải phóng Myanmar, Tướng Aung San. Vụ tấn công năm 1983 đã khiến 21 người thiệt mạng trong đó có 17 người Hàn Quốc, nhưng không đạt được mục tiêu ám sát Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là Chun Doo-hwan, người thoát chết nhờ đến muộn.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cũng cho biết trong các cuộc đàm phán giữa hai bên, ông Lee nhất trí sẽ mở rộng viện trợ tài chính và vay nợ cho Myanmar.
Hàn Quốc tuyên bố sẽ giúp đỡ Myanmar phát triển nguồn nhân lực, phát triển lực lượng trí thức và mời các sinh viên Myanmar sang Hàn Quốc để nước này chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế thành công của mình.
Lê Dung