Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ giải thích kế hoạch mua tên lửa S-400
Hệ thống tên lửa S-400 của Nga |
Tuyên bố trên được phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis đưa ra trong một cuộc họp báo.
“Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh quan trọng của NATO, nguyên tắc cơ bản trong quan hệ của chúng tôi là khả năng tương hợp của vũ khí”, Ria Novosti dẫn lời ông Davis. "Liên quan đến thông tin về việc Thổ Nhĩ Kỳ có ý định mua sắm những tổ hợp tên lửa hiện đại của Nga, nước này sẽ phải giải thích rõ ràng việc mua sắm những tổ hợp tên lửa S-400", ông Davis nói thêm.
Đáp trả những tuyên bố của phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng ông không thấy có lý do để Mỹ lo ngại về cuộc đàm phán xung quanh việc cung cấp tổ hợp tên lửa S-400 của Nga.
"Tại sao thông tin này (Thổ mua tên lửa S-400) kéo theo sự lo lắng từ phía Mỹ? Mỗi một quốc gia phải áp dụng các biện pháp nào đó để đảm bảo an ninh của mình", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tại một cuộc họp báo ở Ankara.
Trước đó, tờ Bloomberg đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf trị giá 2,5 tỷ USD của Nga. Theo tờ báo, thỏa thuận này cho thấy Ankara đang "quay lưng" lại với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh từng kết nối đất nước này với Phương Tây hơn 60 năm qua.
S-400 không tương thích với tiêu chuẩn vũ khí chung của NATO, khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể tích hợp nó vào hệ thống phòng không của các nước đồng minh. Tuy nhiên, hợp đồng với Nga lại cho phép Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu công nghệ chế tạo tên lửa, điều mà nước này đang rất cần.
Trước đó, phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cảnh báo về những rủi ro khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf của Nga.
Người đứng đầu Lầu Năm góc nghi ngờ về khả năng hệ thống tên lửa S-400 của Nga tương thích với các thiết bị của NATO.
"Vấn đề ở đây là sự tương thích của hệ thống NATO với hệ thống Nga? Chúng sẽ không bao giờ có thể kết hợp được", ông Mattis tuyên bố và nhấn mạnh rằng Bộ Quốc phòng Mỹ cần chờ xem Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm thế nào để sử dụng hệ thống tên lửa phòng không của Nga.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 (NATO định danh là SA-21), được phát triển bởi nhà thầu quốc phòng Almaz-Antey, có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không hiện đại như phi cơ chiến đấu thế hệ 5, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình ở khoảng cách 400km, độ cao 30km. Mỗi hệ thống S-400 có giá khoảng 400 triệu USD.
Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO trong những năm đầu Chiến tranh lạnh, đóng vai trò then chốt "nhà nước tuyến đầu, tiếp giáp với Liên Xô". Nhưng thời gian gần đây quan hệ của Ankara với các đồng minh trong liên minh trở nên căng thẳng.