Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận ngầm, quân người Kurd ở Syria bị “bỏ rơi”?
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã có chuyến thăm tới thủ đô Washington (Mỹ) và gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo để thảo luận về vấn đề Syria cũng như quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác nhận rằng hai bên đã thống nhất một “lộ trình” cho tình hình khu vực thành phố Manbij (Syria), nơi có quân đội Mỹ và binh lính người Kurd.
Binh lính người Kurd ăn mừng sau khi giải phóng thành phố Raqqa (Syria) vào tháng 10/2017. |
Trong cuộc họp báo diễn ra sau cuộc gặp mặt với ông Pompeo, ông Cavusoglu khẳng định rằng thành phố Manbij sẽ được kiểm soát bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, đồng thời ông mong lộ trình mà hai bên đã thống nhất sẽ phải được áp dụng ở những khu vực khác ở Syria. Ông cũng nói thêm rằng việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ cho lực lượng người Kurd YPG là “không thể chấp nhận”.
Washington từ lâu đã hỗ trợ cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) để phục vụ cho cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố IS tại Syria. Lực lượng này thành phần chủ yếu là những binh lính người Kurd thuộc YPG và đang kiểm soát phần lớn khu vực đông bắc Syria. Ankara coi YPG là một phân nhánh của Đảng Lao động Kurdistan (PKK), từ lâu bị Ankara coi là tổ chức khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến quân vào Syria từ tháng 1 năm nay với mục đích tập kích lực lượng người Kurd tại Syria. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai quân đội vào Syria vào tháng 8/2016, sau khi lực lượng SDF giải phóng thành phố Manbij khỏi tay IS. Chiến dịch này đã kết thúc thất bại sau khi Thổ Nhĩ Kỳ không thể giành được kiểm soát thành phố khi SDF kết hợp với quân đội chính phủ Syria để đánh bật quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ ngừng hỗ trợ cho lực lượng dân quân người Kurd kể từ khi quan hệ giữa hai bên đi xuống sau âm mưu đảo chính diễn ra vào năm 2015. Mặc dù Mỹ nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh khu vực quan trọng, song Mỹ tiếp tục hỗ trợ quân người Kurd bởi đây là lực lượng chống IS hiệu quả nhất mà họ có.
Sự hiệu quả của lực lượng người Kurd trong chiến dịch chống khủng bố là không thể bàn cãi, khi SDF đã giải phóng thành phố Raqqa (Syria), nơi được coi là “kinh đô” của IS, vào tháng 10/2017. Tuy nhiên việc người Kurd muốn thành lập một vùng tự trị cho riêng mình khiến chính phủ Syria không hài lòng, và quân chính phủ đã nhiều lần có các cuộc giao tranh nhỏ lẻ với quân người Kurd tại tỉnh Deir ez-Zor (Syria).
Tuần trước, Lầu Năm Góc đã cảnh báo các bên liên quan trong cuộc chiến ở Syria không được tấn công SDF và quân đội Mỹ, sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad khẳng định rằng chính phủ Syria sẽ tìm cách giành lại kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Syria bằng cách này hay cách khác.
Trong một diễn biến khác, nói về các thỏa thuận mua bán khí tài quân sự, ông Cavusoglu cho biết thỏa thuận mua máy bay F-35 giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa bị hủy bỏ hoặc trì hoãn, song Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chấp nhận bất kỳ hành động gây sức ép nào. Washington đã xem xét dùng thỏa thuận F-35 để buộc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất, một động thái khiến nhiều nghị sĩ Mỹ không hài lòng.