Mỹ và NATO để ngỏ khả năng hệ thống tên lửa châu Âu nhằm vào Nga
Mỹ và NATO không bảo đảm hệ thống tên lửa châu Âu không nhằm vào Nga |
Hãng Ria Novosti dẫn tuyên bố của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Frank Rose cho biết, một sự đảm bảo về mặt pháp lý sẽ làm suy yếu khả năng phát triển hệ thống phù hợp với các mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Triều Tiên và Iran.
Ngày 12/4, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Frank Rose cho biết nước này và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không đưa ra đảm bảo pháp lý rằng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu không nhằm vào Nga; bởi nó sẽ làm suy yếu khả năng để phát triển các hệ thống phòng thủ phù hợp nhằm đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng trên bán đảo Triều Tiên, Iran….
"Chúng tôi không có ý định đưa ra bất kỳ đảm bảo nào ràng buộc về mặt pháp lý và hạn chế khả năng bảo vệ nước Mỹ hay các đồng minh của mình. Vấn đề mà Nga đề nghị sẽ hạn chế đáng kể khả năng của Mỹ trong việc đối phó với các mối đe dọa hạt nhân toàn cầu.
Triều Tiên và Iran đã nhiều lần tiến hành thử tên lửa và các mối đe dọa đó buộc chúng tôi phải bắt kịp với những phát triển công nghệ của họ", Ông Frank Rose nhấn mạnh khi phát biểu tại một Hội nghị về phòng thủ tên lửa tại Học viện các lực lượng vũ trang Hoàng gia tại London.
Ngoài ra, Mỹ sẽ dự định triển khai các hệ thống phòng không di động tại châu Âu cũng như hệ thống phòng không THAAD tại Hàn Quốc nhằm ứng phó nhanh, hiệu quả hơn với các mối đe dọa ngày càng tăng trên toàn cầu.
Mỹ từ lâu đã “ấp ủ” kế hoạch tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa trên toàn châu Âu nhằm bảo vệ lãnh thổ Mỹ khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, và đó là một trong những vấn đề chính trong quan hệ Nga-Mỹ.
Hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu – hệ thống phòng thủ tên lửa phân khúc, theo kế hoạch, Mỹ sẽ triển khai đầy đủ vào năm 2018. Ở giai đoạn ban đầu nó được lên kế hoạch triển khai tại một số quốc gia ở Đông Âu.
Các quan chức Mỹ từng nhiều lần nói rằng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu không nhằm chống Nga hay tiềm năng chiến lược của Nga và hợp tác trong khu vực này sẽ có lợi cho tất cả các bên. Tuy nhiên đối với Mosscow yêu cầu đảm bảo hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu không nhằm chống Nga phải được ghi nhận trên cơ sở ràng buộc pháp lý, chứ không chỉ bằng lời nói.
Sơ đồ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu. |
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Ria-Novosti, một trong những hãng thông tấn lớn và uy tín nhất tại Nga cũng như trên thế giới.