Mỹ: Tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông là “quá đáng”
Mỹ: Tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông là “quá đáng”
Cũng trong bài phát biểu của mình, bà Ngoại trưởng cũng lên tiếng hối thúc Quốc hội và Chính phủ Mỹ nhanh chóng thông qua UNCLOS bởi nếu việc này thất bại, tiếng nói của Mỹ trong việc ủng hộ các đồng minh của mình với các vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ trở nên “kém trọng lượng” hơn rất nhiều.
Trong bài phát biểu của mình tại phiên điều trần trước Ủy ban đối ngoại thuộc Thượng viện Hoa Kỳ, bà Clinton cùng với nhiều quan chức lãnh đạo cấp cao của quân đội Mỹ thậm chí còn lên tiếng đề nghị nước Mỹ cần có một “sự phản kháng mạnh mẽ hơn nữa” đối với các tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc.
Bấy lâu nay, chính quyền của ông Obama vẫn nhất quán quan điểm rằng, Hoa Kỳ sẽ không tham dự vào tình trạng “cãi cọ” của các nước trong khu vực Biển Đông nhưng Hoa Kỳ có lợi ích quan trọng đối với sự bình ổn của khu vực này nhằm đảm bảo sự thông suốt của tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông.
Bà Hillary Clinton cho rằng các quốc gia Đông Nam Á được Mỹ ủng hộ “đang bị đe dọa” bởi tuyên bố của Trung Quốc.
“Với vai trò là một quốc gia không trực tiếp liên quan, chúng ta phải đòi hỏi những cơ sở pháp lý cao và chặt chẽ đối với Trung Quốc. Chúng ta tự đặt mình vào thế tự vệ. Những tiếng nói ủng hộ các đồng minh và bạn bè của mình ở Biển Đông đang rất yếu ớt và không được như tôi mong đợi”, bà Ngoại trưởng phát biểu.
Trung Quốc hiện là 1 trong số hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia UNCLOS. Trong các tuyên bố chủ quyền của mình, Trung Quốc đã chiếm gần như trọn vẹn vùng Biển Đông (biển Nam Trung Hoa) và hành động này đã đưa Trung Quốc vào cuộc tranh chấp với một loạt những quốc gia khác như Brunei, Malaysia, Việt Nam hay Philippines – một đồng minh của Mỹ.
UNCLOS ra đời năm 1982 và chính thức có hiệu lực kể từ năm 1994. Trong nội bộ nước Mỹ, Đảng Cộng hòa đã trì hoãn việc Mỹ phê chuẩn Công ước này mặc dù các quan chức quân đội Mỹ khẳng định từ trước tới nay họ vẫn hành động tuân thủ theo những nguyên tắc của Công ước.
Mặc dù UNCLOS được sự ủng hộ của cả 2 đảng và sự hậu thuẫn của các tập đoàn kinh tế lớn nhất nước Mỹ, thượng nghị sỹ John Kerry – Chủ tịch đảng Dân chủ lại cho rằng việc Mỹ tham gia vào Công ước này là không hề dễ dàng, đặc biệt là trong thời gian cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần. Mới đây, một số nghị sỹ của đảng Cộng hòa cũng đã lên tiếng phản đối Công ước.
“Đã đến lúc chúng ta cần phải lấy lại cân bằng cho những lợi ích an ninh của nước Mỹ ở Thái Bình Dương. Điều này là rất quan trọng”, tướng Martin Dempsey – Tổng tư lệnh liên quân quân đội Mỹ phát biểu.
Thượng nghị sỹ Barbara Boxer (đảng Dân chủ) còn chỉ trích một cách thậm tệ tuyên bố đòi “độc chiếm biển Đông” của Trung Quốc. Bà nghị sỹ này chỉ ra trên bản đồ rằng khu vực mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ vượt xa phạm vi 200 dặm (320 km) vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Ngay lập tức, phía Trung Quốc cũng đã có những phản ứng với tuyên bố của bà Hillary Clinton. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lên tiếng “khuyến cáo” Washington không nên “dây dưa” vào những cuộc tranh chấp trong khu vực Biển Đông. Ông Hồng Lỗi cho biết, Trung Quốc đang tiến hành đàm phán trực tiếp với các nước ASEAN có liên quan để giải quyết vấn đề nhạy cảm này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục lớn tiếng yêu cầu các bên liên quan không “mở rộng vấn đề này” đồng thời “kịch liệt phản đối sự can thiệp của bên thứ 3 vào các tranh chấp và tuyên bố về chủ quyền ở Biển Đông”.
Washington và một số quốc gia Đông Nam Á thì vẫn tiếp tục theo đuổi giải pháp “đa phương” cho vấn đề Biển Đông.
T.D.P
Tổng hợp