Mỹ từng mong Trung Quốc là 'quốc gia có trách nhiệm'
Theo tờ The New York Times, trong hơn một thập niên qua, Mỹ đã căng mắt theo dõi những chính sách bá quyền được Trung Quốc áp dụng để củng cố và tăng cường sức mạnh quân sự, kinh tế và chính trị của mình trong khu vực.
Mỹ từng hy vọng về một viễn cảnh mà cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick từng "vẽ" ra hồi 2005. Theo bức tranh này, Trung Quốc sẽ trở thành một "quốc gia có trách nhiệm" trong hệ thống quốc tế, hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế và đưa ra các giải pháp hòa bình để giải quyết những căng thẳng mang tính toàn cầu.
Trung Quốc không tiếc tiền đầu tư tiền của để tăng cường sức mạnh quân sự. |
Tuy nhiên, dưới thời nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, có thể nói nhận định của nhà ngoại giao Mỹ đã hoàn toàn sai lầm. Trung Quốc ngày càng hung hăng, ngang ngược trong các sự kiện gần đây. Điều đó làm dấy lên mối nghi ngờ về những lời cam kết về việc xây dựng hình ảnh một quốc gia hòa bình. Và rõ ràng, mối quan hệ Trung - Mỹ đang ngày càng căng thẳng và tệ đi trông thấy.
Ngay cả các cuộc đối thoại cấp cao giữa giới chức Trung – Mỹ tại Bắc Kinh hồi đầu tháng này cũng chỉ thu được những kết quả hết sức khiêm tốn. Trong khi một lượng lớn các vấn đề bất đồng đang chồng chất và nếu không được giải quyết một cách thận trọng, nó sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Một ví dụ điển hình là cả hai bên vẫn giữ quan điểm đối lập về những nỗ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến giành chủ quyền trước các quần đảo và hải phận trên Biển Đông và biển Hoa Đông – khu vực mà Nhật Bản, Philippines và nhiều quốc gia trong khu vực cùng tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc từng phớt lờ đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, rằng Bắc Kinh nên tôn trọng các quy tắc luật biển – nhằm giám sát hoạt động hàng hải và ngăn chặn tình trạng tuyên bố chủ quyền đơn phương tại những vùng tranh chấp.
Đây thực sự là một vấn đề đáng báo động. Bởi hiện nay, lực lượng tàu thuyền và tàu đánh cá của Trung Quốc cũng như các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền thường xuyên đối đầu nhau, khiến nguy cơ bùng nổ giao tranh ngày càng hiện hữu. Hay tình trạng nhiều lần máy bay Trung Quốc và Nhật Bản chơi trò "mèo vờn chuột" trên không phận.
Lo ngại Trung Quốc đang ngày ngày củng cố quyền kiểm soát các quần đảo và hải phận tranh chấp, Mỹ đã đưa ra nhiều phương án ngăn chặn cũng như giảm thiểu mức độ căng thẳng như điều động thêm máy bay giám sát và đề xuất giải pháp ngoại giao.
Một cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc. |
Trên thực tế, mối quan hệ Trung – Mỹ cũng không mấy tốt đẹp. Mỹ đã nhiều lần cáo buộc các tin tặc Trung Quốc ăn cắp bí mật ngành công nghiệp khiến các công ty nước này thiệt hàng hàng tỷ đôla. Đặc biệt sau sự kiện, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama buộc tội tin tặc đối với 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc hồi tháng Năm.
Trong nhiều năm qua, các quan chức Mỹ vẫn hy vọng rằng con đường ngoại giao là giải pháp hữu hiệu trấn an nỗi lo về việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh và sự tập trung thay vì tìm kiếm hợp tác với các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Điều này đã được Ngoại trưởng Kerry thể hiện trong tuyên bố hôm 10/7 về việc Mỹ đứng đầu mạng lưới liên minh châu Á "không nằm trong chiến lược phản đối hay đối đầu Trung Quốc".
Một điều không thể phủ nhận là mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, là điều sống còn với sự ổn định toàn cầu. Mỹ hoàn toàn nhận thức được rằng việc đẩy Trung Quốc vào một góc không hề đem lại lợi lộc gì. Trong khi đó, Trung Quốc cần hiểu rằng quốc gia này cũng không thu được kết quả tốt đẹp gì từ hành động bắt nạt, chọc tức các quốc gia châu Á. Bởi chắc chắn, hành động này sẽ chỉ đẩy các quốc châu Á thêm gắn kết hơn với Mỹ.
Do đó, cả giới chức Trung Quốc và Mỹ hiện vẫn chỉ đưa những tuyên bố mang tính xoa dịu tình hình. Như nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ "chắc chắn là thảm họa cho hai nước và thế giới". Còn Ngoại trưởng Kerry khẳng định hai nước không muốn rơi vào cái bẫy "cạnh tranh triệt tiêu lẫn nhau".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The New York Times, nhật báo được xuất bản tại Thành phố New York do Arthur O. Sulzberger Jr. làm chủ biên, được phân phối ở khắp Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới.