Mỹ - Trung lại "khẩu chiến" vì căn cứ quân sự Trung Quốc ở Djibouti
Thời báo Hoàn Cầu đưa tin trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định những cáo buộc liên quan tới việc Trung Quốc cấm máy bay hoạt động phía trên căn cứ quân sự của nước này ở Djibouti, chiếu laser vào phi công Mỹ cũng như triển khai các máy bay không người lái (UAV) nhằm ngăn cản hoạt động của quân đội Mỹ ở quốc gia Sừng châu Phi là sai sự thật.
Mỹ - Trung lại "khẩu chiến" vì căn cứ quân sự Trung Quốc ở Djibouti. |
“Phía Trung Quốc luôn tuân thủ luật pháp quốc tế và luật pháp của nước sở tại cũng như cam kết bảo vệ nền an ninh và ổn định của khu vực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhấn mạnh.
Trước đó, hôm 16/6, tờ Washington Times đưa tin phát biểu trước các phóng viên, Giám đốc Tình báo thuộc Bộ Tư lệnh châu Phi của quân đội Mỹ Thiếu tướng Heidi Berg cho hay quân đội Trung Quốc“phải chịu tội vì có những hành động thiếu trách nhiệm” nhằm vào các lực lượng Mỹ hoạt động ở Trại Lemonnier tại Djibouti. Trong đó, Trại Lemonnier nằm gần với căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti. Djibouti cũng là nơi Trung Quốc cho xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài.
Ông Zhang Junshe, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc cho rằng theo thông tin từ truyền thông Mỹ, các máy bay của Mỹ đã bay phía trên cơ sở hậu cần của quân đội Trung Quốc ở Djibouti nhằm thu thập thông tin tình báo. Hành động này là đặc biệt nguy hiểm đối với an ninh của căn cứ cũng như an toàn của các nhân viên hoạt động tại đây.
Theo ông Zhang, Mỹ cần phải dừng lại hành động bị xem là vi phạm luật pháp quốc tế như trên.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ cáo buộc Trung Quốc chiếu laser vào máy bay quân sự Mỹ. Hồi tháng 5/2018, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận và cho rằng lời cáo buộc của Mỹ là “hoàn toàn trái ngược với sự thật”.
Ngoài Mỹ, Pháp, Nhật và Ý đều cho duy trì căn cứ quân sự ở Djibouti. Cụ thể, Mỹcho đặt căn cứ quân sự ở Djibouti là Trại Lemmonier. Đây là căn cứ thường trực duy nhất của Mỹ ở châu Phi với số quân nhân là hơn 4.000 người.
Vào năm 2016, quá trình đàm phán giữa Trung Quốc với Djibouti về việc để hải quân Trung Quốc thành lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại quốc gia sừng châu Phi đã kết thúc thành công.
Tới ngày 11/7/2017, hải quân Trung Quốc chính thức cho điều động các tàu thuyền thuộc Hạm đội Nam Hải tới căn cứ ở Djibouti. Lễ khánh thành căn cứ quân sự ở Djibouti được tổ chức vào ngày 1/8/2017. Chỉ sau một tháng rưỡi khánh thành, quân đội Trung Quốc ở căn cứ Djibouti bắt đầu tiến hành các đợt tập trận bắn đạn thật.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã né tránh sử dụng thuật ngữ phổ biến là “căn cứ” mà thay vào đó gọi căn cứ ở Djibouti là “cơ sở hỗ trợ” hoặc “cơ sở hậu cần”.
Thậm chí, hồi năm 2017, Tân Hoa Xã còn có bài viết nhấn mạnh, căn cứ ở Djibouti không phải được xây dựng với mục tiêu chính là phục vụ quân đội.
“Căn cứ ở Djibouti không liên quan tới bất cứ cuộc đua vũ trang nào hay mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự. Trung Quốc không có ý định biến trung tâm hậu cần này thành một căn cứ quân sự”, Tân Hoa Xã viết.
Song bản phân tích của Stratfor lại chỉ ra rằng, căn cứ ở Djibouti đang trở thành cơ sở quân sự được trang bị vũ khí thuộc hàng khủng nhất với sự xuất hiện của một cơ sở dưới lòng đất rộng tới 23.000 m2.
Trên thực tế, quân đội Trung Quốc đã có mặt ở sừng châu Phi cách đây 10 năm và chủ yếu tham gia hoạt động chống hải tặc. Còn hiện tại, nhiều chuyên gia nhận định ngoài nhiệm vụ chống hải tặc, căn cứ hải quân ở Djibouti còn hỗ trợ Trung Quốc trong 4 sứ mệnh chính là thu thập thông tin tình báo, hỗ trợ hoạt động gìn giữ hòa bình, chống khủng bố và sơ tán công dân.
Căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Djibouti được xây dựng theo khuôn khổ mở rộng các mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc – Djibouti. Cụ thể, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cho Djibouti vay gần 1 tỷ USD. Một số nguồn tin cho biết thêm, Trung Quốc đã chi gần 40% số tiền triển khai các dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng quy mô lớn ở quốc gia sừng châu Phi. Ba trong những dự án đáng chú ý nhất là cảng đa chức năng Doraleh, tuyến đường sắt Ethiopia – Djibouti và Đường ống dẫn nước Ethiopia – Djibouti.