Mỹ "toát mồ hôi" trước đối thủ mới trong cuộc đua vũ khí hạt nhân
RT đưa tin, theo nghiên cứu mới đây của dự án Thông tin hạt nhân do Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ tiến hành, năng lực hạt nhân của Pakistan đang trở thành “mối quan ngại đáng kể” đối với Mỹ và các quốc gia khác bởi tính tới năm 2025, số đầu đạn hạt nhân mà Pakistan sở hữu có thể tăng lên con số 220 – 250.
Pakistan trở thành đối thủ mới với Mỹ trong cuộc đua vũ khí hạt nhân. |
Thông tin trên đã vượt xa số liệu được Cơ quan Tình báo Mỹ đưa ra năm 1999 khi cho rằng tới năm 2020, Pakistan sẽ chỉ có từ 60 – 80 đầu đạn hạt nhân. Nếu dự báo của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ là đúng, Pakistan sẽ sớm trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ 5 trên thế giới.
Theo RT, Pakistan có đầy đủ lý do để tăng cường “năng lực phòng thủ hạt nhân toàn diện”. Năng lực này không chỉ nhằm chuẩn bị cho các cuộc tấn công hạt nhân mà còn “ngăn chặn tham vọng Ấn Độ xâm chiếm lãnh thổ Pakistan”.
Cụ thể, cuộc tranh chấp lãnh thổ ở vùng Kashmir suốt 67 năm qua giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa tới hồi kết. Trong khi, cả hai quốc gia đều tuyên bố có chủ quyền với toàn bộ vùng Kashmir nhưng thực tế, khu vực này đang bị chia cắt làm hai và mỗi bên kiểm soát một phần.
Theo dự báo hồi tháng Bảy của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Ấn Độ hiện sở hữu từ 130 – 140 đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, chính phủ Ấn Độ tuyên bố năng lực phòng thủ hạt nhân quốc gia vẫn không ngừng gia tăng cũng như đảm bảo khả năng sống sót sau các cuộc phản công. Ngoài ra, chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Ấn Độ cũng không ngừng phát triển.
“Chương trình phát triển hạt nhân của Ấn Độ đang tạo ra mối quan ngại lớn cho các quốc gia khác bao gồm Mỹ”, bản báo cáo năng lực hạt nhân năm 2018 của Pakistan nhấn mạnh.
Trong khi đó, Pakistan được cho đang sở hữu từ 140 – 150 đầu đạn hạt nhân và kho hạt nhân của quốc gia này sẽ tăng lên từ 220 – 250 vào năm 2025 nếu như Pakistan duy trì tốc độ phát triển như hiện nay.