Mỹ thất vọng, Hàn Quốc chê Nhật Bản “lỗi thời”
Thái độ của Mỹ
"Nhật Bản là một đồng minh quan trọng và là bạn bè. Tuy nhiên, Hoa Kỳ khá thất vọng rằng lãnh đạo của Nhật Bản đã thực hiện một hành động biết chắc sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng với các nước láng giềng", một tuyên bố bằng văn bản của Mỹ cho biết.
Phản ứng của Washington đến một vài giờ sau khi ông Abe đến đền thờ, nơi tưởng niệm hơn 2,5 triệu chiến binh đã chết, bao gồm hơn mười quan chức cấp cao bị kết án tội ác chiến tranh nghiêm trọng.
"Hoa Kỳ hy vọng rằng cả Nhật Bản và các nước láng giềng sẽ tìm cách xây dựng nguyên tắc để đối phó với các vấn đề nhạy cảm trong quá khứ, để cải thiện mối quan hệ của họ và thúc đẩy hợp tác trong các mục tiêu chung thông qua hòa bình và ổn định khu vực", tuyên bố nói.
"Chúng tôi lưu ý những lời nói nhấn mạnh của Thủ tướng [Abe] về sự hối hận trong quá khứ và tái khẳng định cam kết của ông cho hòa bình".
Phản ứng của Hàn Quốc
Hàn Quốc hôm thứ Năm (26/12) bày tỏ sự tức giận trước chuyến thăm của ông Abe, gọi đó là "hành vi đã lỗi thời".
"Chúng tôi không thể không lên án và bày tỏ sự tức giận trước chuyến thăm của Thủ tướng đến đền Yasukuni ... mặc dù đã nhận được mối quan tâm và sự cảnh báo từ các nước láng giềng", Bộ trưởng Văn hóa Yoo Jin -Ryong nói với các phóng viên.
"Chuyến thăm... là một hành vi lỗi thời mà về cơ bản gây thiệt hại không chỉ cho mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản mà còn sự ổn định và hợp tác ở Đông Bắc Á", ông nói.
Ông Yoo cho biết ngôi đền vinh danh những người gây ra sự đau đớn và đau khổ "không thể diễn tả" đối với người Hàn Quốc trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng bán đảo năm 1910-1945.
"Nhật Bản, nếu thực sự muốn tìm cách để đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới, đầu tiên cần phải xây dựng lòng tin với các nước láng giềng... thông qua việc tự nhìn nhận lại và gửi lời xin lỗi... thay vì phủ nhận quá khứ của mình và tôn vinh sự xâm lược trong quá khứ", ông nói.
Quan hệ song phương giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã đóng băng trong năm qua, một phần là do tranh chấp hòn đảo Dokdo – nơi mà cả Seoul và Tokyo cùng tuyên bố chủ quyền.
Quan hệ đã tiếp tục căng thẳng khi một nhóm các bộ trưởng và các chính trị gia Nhật Bản đến thăm Yasukuni vào tháng Tám.
Quá khứ quân phiệt của Nhật Bản đã để lại một di sản cay đắng ở Trung Quốc và cả hai miền Triều Tiên. Seoul và Bắc Kinh đã từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh song phương chính thức với Thủ tướng Abe, người mà họ cho là có tư tưởng diều hâu về các vấn đề lãnh thổ và lịch sử.