Mỹ thắt chặt ngoại giao với Ukraine
Tờ The Japan Times của Nhật Bản đưa tin bình luận về chuyến thăm này của vị Thủ tướng lâm thời Ukraine. Chuyến đi này được cho là khẳng định sức nặng trong tiếng nói quốc tế của Mỹ và chính phủ lâm thời Ukraine cũng muốn gửi thông điệp tới Nga rằng họ sẽ không nhân nhượng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk tại phòng họp Bầu dục ở Nhà Trắng, ngày 12/3/2014. |
Tổng thống Obama đã lặp đi lặp lại rằng Matxcơva sẽ phải đối mặt với “sự trả giá” nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin không dừng lại và từ bỏ nỗ lực tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea – điều mà ông gọi là “bừa bãi”.
"Đã có sẵn một con đường và chúng tôi hy vọng Tổng thống Putin sẵn sàng nắm bắt con đường đó", Obama phát biểu tại Nhà Trắng khi ngồi bên cạnh Yatsenyuk sau cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục, "Nhưng nếu ông ấy không làm như vậy, tôi tin rằng cộng đồng quốc tế sẽ đứng về phía chính phủ Ukraine".
Ông Yatsenyuk cảm ơn Washington vì đã ủng hộ và tuyên bố: "Chúng tôi đấu tranh cho tự do của chúng tôi. Chúng tôi chiến đấu cho nền độc lập của chúng tôi. Chúng tôi đấu tranh cho chủ quyền của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng".
Tổng thống Obama cho biết ông hy vọng cuộc khủng hoảng có thể được giải quyết thông qua ngoại giao, nhưng Ukraine và phương Tây không công nhận cuộc trưng cầu dân ý và Matxcơva không công nhận chính phủ ở Kiev.
Trong khi đó, Yatsenyuk nói rằng ông "sẵn sàng và cởi mở" cho các cuộc đàm phán với Nga, nhưng cảnh báo: "Chúng tôi muốn khẳng định một điều rõ ràng rằng Ukraine đang và sẽ là một phần của thế giới phương Tây”.
Trong suốt chuyến thăm Washington, ông Yatsenyuk cũng có kế hoạch cố gắng làm việc chi tiết về gói viện trợ trị giá 35 tỷ USD. Ông cho biết nền kinh tế bấp bênh ở Ukraine cần phải được cứu giúp.
Chính phủ lâm thời Ukraine đã tuyên bố sẽ không công nhận cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, và nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nhưng thừa nhận bất lực để can thiệp quân sự vào khu vực này.
Sự cô lập ngoại giao với điện Kremlin ngày càng gia tăng các nước công nghiệp G7 kêu gọi Nga " chấm dứt tất cả những nỗ lực thay đổi hiện trạng của Crimea theo cách trái pháp luật Ukraine và vi phạm luật pháp quốc tế". "Việc sát nhập Crimea có thể có tác động nghiêm trọng đến trật tự pháp lý trong việc bảo vệ sự thống nhất và chủ quyền của các quốc gia", một tuyên bố chung của G7 nói.
Ngoại trưởng các nước EU đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt đối với quan chức cấp cao của Nga tại một cuộc họp vào thứ Hai (10/3). Sau đó các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh vào ngày 20 – 21/3 để chứng kiến việc ký kết thỏa thuận liên kết EU – Ukraine – sự kiện mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá là “đi vào lịch sử”.