Mỹ tài trợ tên lửa chống tăng TOW cho phiến quân Syria?
Hôm 1/7, Sputnik dẫn một nguồn tin ngoại giao cho hay các nhân viên ở Trung tâm Hòa giải Syria đã thu thập được những bằng chứng xác minh phiến quân Syria đang sử dụng các loại vũ khí và đạn dược do nước ngoài sản xuất.
Trong số những bằng chứng mà Trung tâm Hòa giải Syria tìm thấy có cả những mảnh vỡ từ tên lửa chống tăng BGM-71 TOW do Mỹ sản xuất. Những mảnh vỡ này được phát hiện ở khu vực phía đông Damascus.
Mỹ bị nghi ngờ vận chuyển vũ khí cho các nhóm phiến quân Syria. |
Cũng trong ngày 1/7, Trung tâm Hòa giải Syria cho hay khu Al-Qabas nằm phía đông Damascus đã ghi nhận 48 vụ đạn pháo tấn công.
"Các nhân viên người Nga tại Trung tâm Hòa giải đã xác nhận xảy ra 48 vụ đạn pháo tấn công nhằm vào khu vực Al-Qabas từ các lực lượng vũ trang trái phép ở Ein Tarma và Jobar. Nhiều bằng chứng cho thấy, những kẻ khủng bố đã sử dụng vũ khí và đạn dược do nước ngoài sản xuất. Những bức ảnh chụp lại số seri đã chứng minh những vũ khí này có xuất xứ từ nước ngoài", Sputnik dẫn nguồn tin ngoại giao.
Chuyên gia chính trị ở Syria, ông Sleiman Halil nhận định các mảnh vỡ của tên lửa TOW được phát hiện gần Damascus đã chứng minh các nước phương Tây đang chuyển giao vũ khí cho các nhóm phiến quân Syria bao gồm tổ chức Mặt trận al-Nusra.
"Những mảnh vỡ có số seri đã chứng minh các tay súng khủng bố nắm trong tay tên lửa chống tăng TOW do Mỹ sản xuất. Một cuộc điều tra có thể lần ra dấu vết vận chuyển số vũ khí này. Đây cũng là bằng chứng xác minh những tuyên bố trước đó về sự hợp tác giữa các tay súng phiến quân và quân đội Mỹ", ông Halil nói.
Chia sẻ với Sputnik, một nguồn tin thân thuộc khu vực Ein Tarma cho biết phiến quân Faylaq al-Rahman đang hoạt động tích cực ở khu vực vốn là nơi mà các loại vũ khí hạng nặng của Mỹ từng được sử dụng chống lại quân đội chính phủ Syria. Faylaq al-Rahman được liệt vào danh sách các nhóm khủng bố có mối liên hệ với Mặt trận al-Nusra.
"Không có đơn vị nào của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) hay các nhóm đối lập hoạt động ở Ein Tarma. Điều đó có nghĩa là các tay súng khủng bố đã thu thập những vũ khí mà Lầu Năm Góc trước đó cung cấp cho các nhóm nổi dậy ôn hòa", Sputnik cho hay.
Còn theo ông Halid, trước đây, nhiều hãng truyền thông đưa tin các quốc gia phương Tây bao gồm Mỹ cung cấp vũ khí cho lực lượng phiến quân Syria. Chính các mảnh vỡ tên lửa TOW được Trung tâm Hòa giải Syria phát hiện gần đây là bằng chứng "xác thực nhất" về sự nghi ngờ lâu nay.
Hồi năm ngoái, tạp chí Focus của Đức cho biết một tướng cấp cao của Mặt trận al-Nusra chia sẻ với giới báo chí rằng, nhóm này đã nhận được nhiều loại vũ khí của Mỹ bao gồm tên lửa TOW.
"Những tên lửa này được chuyển trực tiếp cho chúng tôi. Mỹ sát cánh bên chúng tôi", Focus dẫn lời tướng chỉ huy của Mặt trận al-Nusra.
Nhiều báo cáo cũng từng nhắc sự xuất hiện của các tên lửa TOW trong giao tranh ở Syria. Hồi tháng 11/2015, một tên lửa chống tăng đã bắn trúng chiếc xe chở các nhà báo người Nga ở khu vực cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 10 km thuộc phía bắc Latakia. Trong vụ việc này, một vài nhà báo đã bị thương.
Tới mùa hè năm 2006, một tên lửa chống tăng TOW cũng đã nhắm trúng chiếc xe buýt chở theo các nhà báo Syria ở ngoại ô Aleppo.
Sputnik cho biết các tay súng thuộc Mặt trận Al-Nusra đã sử dụng tên lửa TOW và súng cối 81 mm tiêu chuẩn NATO trong gần hết các trận chiến chủ chốt chống lại quân đội chính phủ Syria và đồng minh ở Aleppo cũng như các vùng lân cận. Hồi năm ngoái, các mảnh vỡ từ những loại vũ khí do châu Âu sản xuất cũng đã được quân đội Syria tìm thấy tại một trại tị nạn của người Palestin ở phía bắc Aleppo.