Mỹ sẽ mang hệ thống phòng thủ tên lửa tới châu Á vì Triều Tiên?
Đây sẽ là động thái làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như khiến Bắc Kinh và Seoul càng thêm mâu thuẫn.
Triều Tiên tuyên bố nước này đã phóng một vệ tinh lên quỹ đạo hôm 7/2 nhưng Mỹ và các nước đồng minh cho rằng hành động này là bước phát triển trong công nghệ tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, có thể được dùng để mang theo vũ khí hạt nhân.
Washington cần phải đảm bảo rằng các đồng minh của mình là Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn thực hiện cam kết quốc phòng trước đó. Mỹ và Hàn Quốc cho biết hai nước đã bắt đầu đàm phán về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa bắn hạ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung (THAAD) trên bán đảo Triều Tiên “vào thời gian sớm nhất có thể”.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un theo dõi vụ phóng tên lửa hôm 7/2. |
Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn chưa công khai nội dung đàm phán trên vì lo ngại sẽ làm thất vọng Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Bắc Kinh, vốn đã có nhiều mâu thuẫn với Mỹ về vấn đề Biển Đông, ngay lập tức đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về hệ thống phòng thủ này bởi radar của nó có thể thâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc.
Bắc Kinh đã khẳng định rõ ràng với Seoul và Washington như tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao rằng: “Khi theo đuổi an ninh của riêng mình, một quốc gia không nên can thiệp vào lợi ích an ninh của một quốc gia khác”.
Thêm động lực
Tuy nhiên, việc Triều Tiên thử tên lửa mới đây, cùng với việc nước này tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch vào tháng trước, có thể là một “lý do tốt” cho Hàn Quốc, giúp các nhà hoạch định chính sách của nước này dễ dàng thông qua việc lắp đặt hệ thống trên.
Hàn Quốc và Mỹ cho biết nếu THAAD được triển khai ở Hàn Quốc thì hệ thống này sẽ chỉ tập trung vào Triều Tiên.
Thời báo Hoàn Cầu lại cho rằng: “Theo các chuyên gia quân sự, một khi THAAD được lắp đặt, tên lửa của Trung Quốc cũng là một mục tiêu giám sát của hệ thống này. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc”.
Nhật Bản, từ lâu đã lo ngại về chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, trước đó cho biết Tokyo coi THAAD là một biện pháp giúp tăng cường năng lực phòng vệ của nước này. Tên lửa mà Triều Tiên phóng hôm 7/2 vừa qua đã bay qua khu vực quận Okinawa phía Nam Nhật Bản.
Riki Ellison, người thành lập Liên minh cố vấn tên lửa phòng thủ, nhận định, vụ thử tên lửa này của Bình Nhưỡng sẽ cho Tokyo có thêm động lực để triển khai THAAD.
Tên lửa mang theo vệ tinh của Triều Tiên được phóng lên quỹ đạo. |
Washington đã chuyển một trong những hệ thống THAAD của mình tới đảo Guam năm 2013 do mối đe dọa từ phía Triều Tiên và đang nghiên cứu khả năng chuyển khu vực thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng thủ Aegis (phiên bản trên mặt đất) thành một cơ sở sẵn sàng cho chiến đấu.
Xác định vị trí
Một quan chức Mỹ cho biết việc Triều Tiên phóng tên lửa mới đây càng cho thấy sự cấp bách phải đẩy nhanh tiến trình đàm phán lắp đặt hệ thống THAAD ở Hàn Quốc. “Tốc độ là ưu tiên hàng đầu”, vị quan chức này nói.
Việc thúc đẩy thảo luận về hệ thống phòng thủ tên lửa với Mỹ có thể gửi một thông điệp tới Bắc Kinh rằng nước này cần hành động quyết liệt hơn đối với chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Các quan chức Hàn Quốc đã xác định được một khu vực thích hợp để lắp đặt hệ thống này nhưng đó cũng có thể là ngay tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên, ông Ellison cho biết.
THAAS là một hệ thống do Tập đoàn Lockheed Martin xây dựng, có thể được vận chuyển bằng đường hàng không, đường biển hay đường bộ. Lầu Năm Góc đã đặt hàng thêm hai hệ thống từ Lockheed.
Ông Ellison tiết lộ, một trong bốn hệ thống THAAD đặt tại Fort Bliss, Texas, đã sẵn sàng để triển khai ở nước ngoài và có thể được gửi tới Nhật Bản hay Hàn Quốc trong vòng vài tuần.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.