Mỹ sẽ "gặp rắc rối" khi Trung Quốc sở hữu 415 chiếc tàu chiến?
Phát biểu trong cuộc họp thường niên của Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ diễn ra hồi tuần trước, cựu quan chức tình báo tại Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, ông James Fanell cho hay: "Năng lực của Hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục được nâng cao và mở rộng trong vòng 15 năm tới".
Theo Defense News, ông Fanell dự đoán trong vòng 15 năm tới, Trung Quốc sẽ sở hữu một lực lượng khí tài đồ sộ gồm 99 tàu ngầm, 4 tàu sân bay, 120 tàu khu trục và tàu hộ vệ, 26 tàu tuần tra, 73 tàu đổ bộ và 111 tàu tên lửa. Do đó, tổng số tàu chiến mà Bắc Kinh sẽ có là 415 chiếc. Với số lượng khí tài lớn, chắc chắn năng lực của Hải quân Trung Quốc sẽ gia tăng đáng kể.
Năng lực của Hải quân Trung Quốc tăng đáng kể khi Bắc Kinh nắm trong tay 415 chiếc tàu chiến vào năm 2030. |
Trước đó, bản báo cáo đánh giá năng lực quân sự của Trung Quốc do Lầu Năm Góc soạn có viết: "Hải quân Trung Quốc hiện sở hữu số lượng tàu thuyền nhiều nhất khu vực châu Á với hơn 300 chiếc tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, tàu đổ bộ và tàu tuần tra". Ngoài ra, tới năm 2030, Trung Quốc sẽ nâng cấp nhiều thế hệ tàu chiến.
Trong cuộc họp hồi tuần trước, ông Fanell đã đặc biệt chú trọng tới tàu khu trục Type 052D lớp Lữ Dương III mà Trung Quốc mới sản xuất. Theo ông Fanell, con tàu này sẽ trở thành "người làm thay đổi quy tắc cuộc chơi" bởi nó sẽ giúp Hải quân Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động trên các vùng biển ngoài khơi xa.
"Dù trang bị hệ thống phóng thẳng đứng, tên lửa hành trình chống hạm YJ-18, radar mảng pha chủ động, tàu khu trục lớp Lữ Dương III vẫn không thể sánh bằng hệ thống Aegis của Mỹ, nhưng đã đủ tiên tiến đối với Hải quân Trung Quốc", tờ Defense News dẫn lời ông Fanell.
"Tôi cho rằng Trung Quốc cảm thấy hài lòng với tàu khu trục lớp Lữ Dương III nên mới sản xuất nhiều như vậy. Con tàu này sẽ giúp Trung Quốc mở rộng phạm vi kiểm soát ra ngoài khu vực chuỗi đảo thứ nhất", ông Fanell nói thêm.
Cựu quan chức tình báo Fanell không phải là chuyên gia hải quân đầu tiên chú trọng tới năng lực vượt trội của tàu khu trục Type 052D của Trung Quốc. Ngay khi Trung Quốc bị đồn đoán đã cho hạ thủy chiếc tàu khu trục Type 052D đầu tiên vào năm 2012, hai chuyên gia Toshi Yoshihara và James R. Holmes đã cảnh báo rằng: " Hải quân Trung Quốc có thể đã tìm thấy chiếc tàu chiến mặt nước hàng đầu của nước này".
Ông Fanell là người lâu nay đã có những đánh giá sắc bén về năng lực hải quân và học thuyết quân sự của Trung Quốc. Khi còn tại vị, ông đã nhiều lần công khai thảo luận về sức mạnh của Hải quân Trung Quốc. Điển hình, hồi năm 2013, ông đã gọi Trung Quốc là "tên bá chủ" khi luôn có những hành động mang tính "xâm lược" và "kẻ chuyên đi bắt nạt".
Trong một cuộc họp hải quân vào năm 2014, ông Fanell nói Trung Quốc đang lên kế hoạch thực hiện một "cuộc chiến thần tốc và hủy diệt" nhằm vào Nhật Bản trong bối cảnh Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Quần đảo này hiện đang do Nhật Bản kiểm soát. Tới tháng Hai năm nay, ông Fanell còn đưa ra lời cảnh báo về khả năng bùng nổ một cuộc chiến với Trung Quốc.
Những đồng nghiệp của ông Fanell tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng năng lực chống ngầm, một điểm yếu lâu nay của Hải quân Trung Quốc.
"Cả tàu chiến mặt nước và tàu ngầm của Trung Quốc sẽ được chú trọng trang bị năng lực chống ngầm", Giáo sư Andrew Erickson tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ chia sẻ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Defense News, một tạp chí ra đời vào năm 1986, chuyên cung cấp những tin mới nhất cũng như các bài phân tích về các chương trình, chính sách, hoạt động và công nghệ quốc phòng.