Mỹ sẽ bao vây Trung Quốc ở Thái Bình Dương?
Mỹ sẽ bao vây Trung Quốc ở Thái Bình Dương?
Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Australia Julia Gillard vừa tiết lộ kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương – Nguồn: Getty Images. |
Ngày 16/11, tại Canberra, Úc, tổng thống Obama tuyên bố Mỹ có kế hoạch điều 2.500 lính thủy đến Úc để tăng cường liên minh quân sự với châu Á. Tuyên bố này của ông khiến Bắc Kinh phản ứng dữ dội, cho rằng ông Obama đang đẩy căng thẳng quân sự leo thang tại khu vực châu Á.
Theo tờ New York Times, thỏa thuận của Mỹ với Úc về việc tăng sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương là thỏa thuận dài hạn đầu tiên của Mỹ ở khu vực này kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Thỏa thuận này của Mỹ ra đời ngay cả khi ngân sách Hoa Kỳ cho Lầu Năm Góc bị cắt giảm và nó khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo lắng rằng Mỹ đang có ý định bao vây Trung Quốc về mặt quân sự và kinh tế.
“Thật không hợp lí nếu Mỹ gây căng thẳng và mở rộng liên minh quân sự và có thể đó không phải là mong muốn của các nước trong khu vực”, Lưu Vi Dân, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu sau tuyên bố của ông Obama và bà Julia Gillard, Thủ tướng Úc.
Trong bài phát biểu trước quốc hội Úc sáng hôm nay, ông Obama cho rằng “đây là một quyết định có cân nhắc và mang tính chiến lược. Là một quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương, Mỹ sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn và dài hạn hơn trong việc hình thành tương lai của khu vực này”.
Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh rằng thỏa thuận này không nhằm cô lập Trung Quốc nhưng đó chắc chắn là dấu hiệu cho thấy Mỹ ngày càng lo ngại về những toan tính của nước này.
Trung Quốc đã đầu tư lớn cho việc hiện đại hóa quân đội và bắt đầu triển khai máy bay chiến đấu đường trường và lực lượng hải quân ở tầm sâu.
Mặc dù cam kết quân sự mới này với Úc là khá khiêm tốn, ông Obama vẫn coi đó là một phần quan trọng trong chiến lược đối đầu trực diện hơn với thách thức đến từ một Trung Quốc đang lên. Ông cũng đã thực hiện một vài bước tiến trong việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do Thái Bình Dương giúp các đồng minh Hoa Kỳ có nền kinh tế thị trường trong khu vực này được hưởng các đặc quyền thương mại mà Trung Quốc chưa thể có.
Ông Obama mô tả việc điều động này là nhằm đáp ứng lai nguyện vọng của các đồng minh dân chủ của Hoa Kỳ trong khu vực từ Nhật Bản cho đến Ấn Độ. Một số đồng minh đã bày tỏ lo ngại rằng nền kinh tế gặp khó khăn của Mỹ sẽ làm giảm vai trò lãnh đạo của Mỹ so với Trung Quốc.
Tổng thống Obama tuyên bố việc cắt giảm ngân sách ở Washington và cả chi tiêu quân sự sẽ không giảm vai trò lãnh đạo của Mỹ. Các cắt giảm quốc phòng “sẽ không – tôi xin nhắc lại là sẽ không – làm ảnh hưởng đến chi tiêu quân sự cho khu vực châu Á Thái Bình Dương”, ông nói.
Bản đồ căn cứ quân sự của Mỹ trên thế giới năm 2007. Nâu đậm là ở Mỹ, nâu nhạt là Iraq, đỏ sậm là trên 1000 quân, đỏ nhạt là trên 100 quân và màu cam chỉ hiện diện của quân đội Mỹ tại căn cứ của nước đó. Trung Quốc lo sợ sẽ bị Mỹ bao vây quân sự ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. – Nguồn: wikimedia. |
Một số nhà phân tích ở Trung Quốc lo ngại rằng động thái trên sẽ khơi mào nguy cơ cô lập Trung Quốc theo kiểu chiến tranh lạnh.
“Tôi không nghĩ họ (Trung Quốc) sẽ hài lòng. Tôi không lạc quan về tương lai lâu dài sau khi thỏa thuận này được thực thi”, Mark Valencia, một nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan quốc gia nghiên cứu châu Á nói.
Kể từ sau chiến tranh thế giới lần II, Hoa Kỳ đã có các căn cứ quân sự và lực lượng quân đội rất lớn ở Nhật Bản và Hàn Quốc hai nước ở khu vực bắc Thái Bình Dương nhưng hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở khu vực Đông Nam Á đã giảm mạnh sau những năm đầu 1990 bằng việc đóng cửa các khu quân sự chính ở Philippines.
Tuy vậy thỏa thuận mới với Úc sẽ ghi lại dấu ấn của Hoa Kỳ ở gần Biển Đông, một tuyến đường hàng hải thương mại quan trọng đối với xuất khẩu của Mỹ.
Lê Dung