Mỹ rút được bài học gì khi Philippines đòi "chia tay"?
Trong bối cảnh người dân Mỹ chuẩn bị đi bầu tân Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh, thì điều chắc chắn là những suy nghĩ của Mỹ trong suốt hàng thập niên qua về Manila và khu vực châu Á cần phải xem lại.
Theo tờ Japan Times của Nhật Bản, ông Ted Gover, giảng viên chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Central Texas bang California, Mỹ nhận định một số quốc gia châu Á hiện cho rằng Washington và Bắc Kinh đang ở thế cân bằng chứ không còn chuyện ưu thế nghiêng hẳn sang Washington. Trong những năm gần đây, thái độ hung hăng cùng quyết tâm độc chiếm Biển Đông và đơn phương tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông cho thấy Bắc Kinh đang muốn chứng minh vị thế số 1 của mình trong khu vực. Điều này đã khiến các nước trong khu vực buộc phải đưa ra lựa chọn cho riêng mình trong cuộc đua địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ hiện có quá nhiều mối quan tâm và khả năngđể Trung Quốc vươn lên giành vị trí số 1 tại châuÁ. |
Và tuyên bố “chia tay” Mỹ hồi tháng trước của Tổng thống Duterte đã chứng minh một phần nhận định trên. Ngay cả Thái Lan và Malaysia cũng đã quyết định chọn Trung Quốc thay vì Mỹ để mua tàu ngầm và tàu tuần duyên. Tuy nhiên, Ấn Độ và Nhật Bản lại chọn hướng đi ngược lại khi tích cực tăng cường và củng cố mối quan hệ địa chính trị với Washington.
Không thể phủ nhận là mối quan hệ giữa Mỹ và một số quốc gia châu Á đang giảm sút rất nhiều so với quá khứ. Điển hình nhất là quan hệ giữa Mỹ với Thái Lan và Philippines. Sau sự kiện đảo chính hồi tháng 5/2014 tại Thái Lan, Mỹ đã công khai chỉ trích chính quyền Thủ tướng Prayuth Chan-ocha vi phạm nhân quyền, đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt và hủy bỏ các chương trình quân sự chung với Bangkok. Kết quả, Thái Lan - đồng minh một thời thân thiết nhất của Mỹ ở châu Á, đã xoay trục sang Bắc Kinh cũng như thắt chặt quan hệ quân sự, thương mại và ngoại giao với Trung Quốc.
Theo ông Gover, việc Washington không thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các chính phủ mới được thành lập tại Bangkok và Manila cho thấy Mỹ không hiểu được những lợi ích và chiến lược mới của các quốc gia châu Á. Do đó, để ngăn chặn quan hệ thêm rạn nứt, Mỹ cần nghiên cứu thêm về các mối quan ngại, vấn đề đang được quan tâm và tâm lý của các đồng minh châu Á. Điều này đòi hỏi giới ngoại giao Mỹ cần nỗ lực hơn nữa cũng như lắng nghe ý kiến của các nước liên quan.
Tuy nhiên, các nước châu Á lâu nay lại đang tỏ ra nghi ngờ về những lời cam kết của Mỹ trong khu vực. Ngay cả dư luận Mỹ cũng đầy bất ổn khi vừa muốn chấm dứt tình trạng thù địch trên bán đảo Triều Tiên vừa muốn kết thúc cuộc chiến chống khủng bố suốt hơn 15 năm qua. Hiểu được tâm lý bất an của các nước châu Á, Mỹ đã tiến hành các cuộc ghé thăm quân sự thường xuyên hơn tới khu vực này đồng thời nhấn mạnh cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông không làm Washington sao nhãng trách nhiệm của mình ở Thái Bình Dương.
Song trong thời gian gần đây, Mỹ liên tiếp phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng nhiều từ các đồng minh và đối tác châu Á. Sự xuống dốc trong mối quan hệ với Bangkok và Manila cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Mỹ về vấn đề nhân quyền và bất đồng quan điểm giữa các nước nên được bàn thảo trong một cuộc họp kín thay vì công khai chỉ trích.
Đáng nói, các khoản hỗ trợ kinh tế của Mỹ cho châu Á giờ đang có xu hướng xếp sau Trung Quốc. Mặc dù quá trình phát triển trong 30 năm qua đã mang lại cho châu Á bước tăng trưởng đáng ngưỡng mộ song còn một số nước trong khu vực vẫn nằm trong nhóm kém phát triển như Myanmar và Indonesia. Tuy nhiên, Mỹ có biện pháp và biết cách phân phối sao cho hợp lý. Đây là lý do Mỹ sẽ không để Trung Quốc cướp mất vai trò là nhà tài trợ đầu tư và kinh tế cho khu vực châu Á.
Ông Gover đặt ra câu hỏi liệu hình ảnh nước Mỹ ngày càng xấu đi trong mắt hai quốc gia đồng minh là Thái Lan và Philippines có khả năng sẽ khiến các nước khác chuyển sang hợp tác với Trung Quốc trong tương lai hay không? Và liệu chuyện gì sẽ xảy ra khi Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore cũng xoay trục sang thân thiết với Bắc Kinh? Theo ông Gover, nếu các nhà hoạch định chính sách Mỹ không nhanh chóng thay đổi tư duy chiến lược, tương lai của Mỹ ở châu Á sẽ còn mù mịt hơn những gì đang diễn ra trong hiện tại.