Mỹ quyết 'ra tay' tạo liên minh dầu mỏ với Saudi Arabia để ổn định giá dầu?
Tạp chí The Wall Street Journal của Mỹ đưa tin, một nhóm các quan chức Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đang thúc giục chính quyền Tổng thống Donald Trump thành lập một liên minh với Saudi Arabia để điều chỉnh giá dầu thế giới và định hướng “đầu ra” của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC).
Giá dầu giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. (Ảnh minh họa). |
Theo các nguồn tin thân cận của tạp chí này, giới chức Mỹ đang tìm phương án ngoại giao nhằm thuyết phục Saudi Arabia giảm sản xuất dầu, đồng thời đe dọa trừng phạt Nga sau khi các hãng dầu Mỹ gây sức ép buộc chính phủ can thiệp. Nhiều doanh nghiệp và tổ chức ngành này gần đây đã gặp quan chức Nhà Trắng, Bộ Tài chính và Thương mại Mỹ để đề nghị trợ giúp. Các yêu cầu được đưa ra nhiều nhất là can thiệp ngoại giao và mua dự trữ.
Theo đó, có giả thiết cho rằng giải pháp như vậy sẽ ngăn chặn sự sụp đổ nghiêm trọng của giá dầu, sau khi cuộc đàm phán tại Vienna hôm 6/3, giữa 14 quốc gia thành viên OPEC và 10 đối tác trong đó có Nga hình thành nên liên minh OPEC+, đã không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ sau khi Nga từ chối siết chặt nguồn cung để đối phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Đồng thời, việc thực hiện giải pháp này sẽ tăng cường quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia, cũng như ngăn chặn việc tăng cường mối quan hệ đối tác của Saudi Arabia với Nga. Điều đó có thể dẫn đến việc Vương quốc Ả Rập sẽ rời bỏ thành phần của OPEC.
Tạp chí của Mỹ lưu ý rằng, có một số phương án tiềm năng cho liên minh dầu mỏ, một trong đó dự trù sử dụng lượng dầu dự trữ của quốc gia.
Theo các báo cáo, kế hoạch được đề cập ở trên đang được thảo luận tại Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, nhưng chưa được sự chấp thuận của ban lãnh đạo Bộ hoặc Nhà Trắng. Cũng theo nguồn tin từ các quan chức Mỹ, phía Mỹ vẫn chưa đưa khái niệm về việc thành lập một liên minh như vậy có sự tham gia của Saudi Arabia.
Hôm 19/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ can thiệp vào “cuộc chiến” giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga vào “thời điểm thích hợp”, đồng thời cho rằng giá xăng dầu thấp là có lợi cho người tiêu dùng Mỹ ngay cả khi giá dầu giảm gây tổn hại đến ngành sản xuất dầu mỏ.
Phát biểu họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ Mỹ đang cố gắng giữ “thái độ trung lập” và sẽ can thiệp vào thời điểm thích hợp. Ông Trump cho rằng, việc giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua đang tác động tới toàn bộ nền kinh tế Nga vốn phụ thuộc vào dầu mỏ, trong khi giá dầu giảm cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến Saudi Arabia.
Cùng ngày, nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc tiểu bang Bắc Dakota Kevin Cramer đã gửi thư lên Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với việc cung cấp dầu mỏ từ Nga, Saudi Arabia và các nước OPEC.
“Các cường quốc về dầu mỏ nước ngoài đang lợi dụng tình hình dịch virus corona để lấp đầy thị trường bằng dầu giá rẻ và phá hoại các nhà sản xuất năng lượng trong nước của chúng ta”, thượng nghị Cramer viết.
Ông Cramer nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi Ngài (Tổng thống Mỹ Donald Trump) ra chỉ thị, để chính phủ Mỹ có những hành động quyết đoán áp biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ từ Nga, Saudi Arabia và các nước OPEC”.
Theo nghị sĩ đảng Cộng hòa, năm 2018 Mỹ đã nhập khẩu từ các quốc gia nói trên 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày. “Hiện nay, chính các quốc gia này lại đang mong muốn các nhà sản xuất và công nhân chúng ta chịu thiệt hại mà không có bất kỳ khoản bồi thường nào. Chúng ta cần ngay lập tức phát đi tín hiệu cảnh báo: không được phép giễu cợt và không tôn trọng nước Mỹ”, ông Cramer kết luận.
Việc tăng sản lượng sẽ bắt đầu vào tháng 4 tới, sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng 2,1 triệu thùng/ngày giữa OPEC và Nga chính thức hết hạn vào cuối tháng 3. Theo thống kê của Reuters, để gọi là cân bằng ngân sách, Saudi Arabia phải bán 60 USD/thùng, trong khi Nga chỉ cần bán khoảng 40 USD/thùng. Nga lại có lợi thế lớn hơn là nền kinh tế đa dạng và không phụ thuộc vào dầu mỏ nhiều như Saudi Arabia.
Theo các chuyên gia từ Bank of America và Raiffeisenbank, lợi thế của Nga là chi phí sản xuất thấp, cơ sở hạ tầng phụ trợ phát triển, hệ thống thuế linh hoạt và tỷ giá hối đoái “thả nổi”.