Mỹ 'phớt lờ' đồng minh Israel vì thỏa thuận hạt nhân Iran
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter |
Lầu Năm Góc không có ý định cung cấp vũ khí bổ sung cho Israel để giảm mối lo ngại của nước này đối với thành công của nhóm P5+1 ljo đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, tờ Độc lập Nga dẫn nguồn tin từ Associated Press (AP) cho biết.
AP dẫn nguồn tin trong chính quyền Mỹ nói: "Nước này không có kế hoạch cung cấp cho Israel các loại vũ khí mới nhằm “đền bù” cho một thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được với Iran”.
Cũng theo AP, các quan chức Israel cũng không có ý định thảo luận về vấn đề "đền bù" của Mỹ cho thỏa thuận này bởi vì "điều đó sẽ có nghĩa là họ (Israel) chấp nhận thỏa thuận hạt nhân với Iran".
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 (gồm năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh) và Đức với Tehran vừa đạt được hôm 14/7 vừa qua tại Vienna (Áo) là "một sai lầm lớn nhất trong lịch sử".
Theo AP, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong chuyến thăm Israel sẽ cố gắng “vỗ về” ban lãnh đạo của Israel rằng Washington sẽ không từ bỏ cam kết của mình trong lĩnh vực an ninh đối với Israel.
Ngoài ra, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng sẽ thăm Saudi Arabia và Jordan – 2 nước cũng quan ngại về thỏa thuận hạt nhân mà P5+1 vừa đạt được với Iran.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin AP, ông Ashton Carter nhấn mạnh: Tôi sẽ cố gắng để thuyết phục Israel và các đồng minh của Mỹ rằng thỏa thuận được ký kết tại Vienna không áp đặt các hạn chế nào về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông.
"Đó là một tín hiệu tốt", người đứng đầu quân đội Mỹ cho biết. Theo ông, thỏa thuận hạt nhân với Iran "loại bỏ khỏi khu vực sự nguy hiểm, các mối đe dọa….".
"Một trong những điểm quan trọng của thỏa thuận là nó vẫn cho phép Mỹ có khả năng giải quyết các vấn đề bằng phương pháp quân sự”, ông Carter nhấn mạnh.
Iran và Nhóm P5+1 mới đây đã đạt được một thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân của Iran - một sự kiện mang tính lịch sử. Mặc dù đối tượng đàm phán của Iran bề ngoài là 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với Đức, song trên thực tế mọi quyết định lại thuộc về Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama - bất chấp sự phản đối của Đảng Cộng hòa chiếm đa số ở cả Thượng viện và Hạ viện, sự phản đối của các lực lượng người Do Thái và các đồng minh vùng Vịnh - vẫn đạt được một thỏa hiệp với Iran.
Trên thực tế, sức mạnh tương đối của Mỹ đang giảm xuống, đặc biệt sau khi trải qua hai cuộc chiến tranh kéo dài hao tiền tốn của với thế giới Hồi giáo, Lầu Năm Góc hiện không thể duy trì "học thuyết hai cuộc chiến tranh rưỡi" từng được thực hiện trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tức là quân đội Mỹ có thể đồng thời tham gia hai cuộc chiến tranh lớn trong khu vực và một cuộc xung đột quân sự nhỏ.
Giới phân tích cho rằng thỏa thuận mang tính bước ngoặt về chương trình hạt nhân của Iran, mà trong đó Nga đã góp phần "chèo lái" qua suốt các cuộc đàm phán kéo dài, là một "cú huých" ngoại giao đối với Moscow: một mặt sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Moscow và Tehran, mặt khác sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu tối quan trọng từ năng lượng của nước này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Độc lập, một trong những tờ báo có lượng truy cập lớn nhất tại Nga.