Mỹ ở Iraq: Không thể kết thúc dễ dàng
Tuy nhiên, chưa đầy 3 tuần kể từ sau bài phát biểu đó, đột nhiên xảy ra những sự kiện khiến kế hoạch kết thúc 2 cuộc chiến của Mỹ trở lên “bớt hoàn hảo”.
Tại Iraq, phe nổi dậy Hồi giáo đã di chuyển nhanh chóng và đang đe dọa đến thủ đô Baghdad, dẫn đến khả năng Mỹ sẽ phải hành động quân sự sau hơn 2 năm rút quân hoàn toàn khỏi nước này (2011).
Tình trạng hỗn loạn ở Iraq cũng đặt ra câu hỏi việc liệu kế hoạch đến cuối năm 2016 sẽ rút hầu hết quân khỏi Afghanistan của ông Obama có phải là khôn ngoan hay không. Hay liệu các nhóm cực đoạn có chỉ đơn giản nằm chờ cho đến khi Mỹ hoàn thành kế hoạch không?
Tổng thống Mỹ Obama trong bài phát biểu về lộ trình kết thúc chiến tranh ở Afghanistan tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, hôm 27/5. |
Khi nói về tình hình ngày càng xấy đi tại Iraq, Thượng nghị sĩ John McCain cho biết: “Liệu có thể tránh được tất cả những điều này không? Câu trả lời là hoàn toàn là có”. Ông cũng cho rằng ông Obama đang sắp “gây ra một sai lầm tại Afghanistan giống như ở Iraq".
Lời chỉ trích trên đã nhắm trực tiếp vào trọng tâm cam kết chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama: Cam kết chấm dứt các cuộc chiến bắt đầu bởi người tiền nhiệm, George W. Bush, và tránh đưa Mỹ vào bất kì rắc rối quân sự nào khác.
Cuộc khủng hoảng ở Iraq đã đưa Nhà Trắng vào một tình thế rất khó xử. Sự phản đối của ông Obama đối với cuộc chiến Iraq là một yếu tố quyết định trong chiến dịch tranh cử năm 2008 của ông và ông đã hoàn thành lời hứa rút toàn bộ quân khỏi Iraq vào cuối năm 2011. Tổng thống Mỹ và các cố vấn cấp cao của ông luôn khẳng định việc chấm dứt các cuộc chiến là một trong những thành công hàng đầu của ông Obama.
Phiến quân Hồi giáo dòng Sunni. |
Tuy nhiên, theo AP, khoảng trống mà lực lượng Mỹ để lại ở Iraq đã bị lấp đầy bởi làn sóng bạo lực và chủ nghĩa cực đoan dòng Sunni.
Mặc dù trước đó, ông Obama từ chối yêu cầu trợ giúp chính phủ Iraq và cho rằng nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia là của chính phủ nước này; tuy nhiên, tình hình hiện nay ở Iraq dường như đã khiến lập trường đó bị lung lay.
Ông Obama, người từng gọi Iraq là một "cuộc chiến ngớ ngẩn", giờ đây đã phải nói rằng chính phủ ở Baghdad rõ ràng đang cần sự giúp đỡ từ Washingtom để đẩy lùi một nhóm nổi dậy bạo lực thân al-Qaeda, một nhóm có thể gây đe dọa đối với an ninh Mỹ.
Trong khi Nhà Trắng vẫn đang xem xét các phương án, thì một số nguồn tin trong chính quyền cho rằng ông Obama đang cân nhắc tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, nhưng với điều kiện các nhà lãnh đạo Iraq vạch ra được kế hoạch chính trị nhằm giảm bớt căng thẳng.
Tuy vậy, những cuộc không kích có hạn chế và nhằm mục tiêu của Mỹ tại Iraq cũng sẽ khiến cho ông Obama bị vướng vào cuộc chiến.
Ông Becky Bond, giám đốc chính trị của tổ chức cấp tiến CREDO cho biết: "Nếu Tổng thống thực hiện một vụ tấn công mới, Iraq sẽ trở thành cuộc chiến của Barack Obama".
Các quan chức Nhà Trắng cho biết họ không rõ việc ông Obama giữ lại một đội quân nhỏ ở Iraq sau năm 2011 có thể ngăn chặn được tình trạng bạo lực hiện nay không. Ông Obama đã tìm cách đạt được một hiệp ước an ninh song phương với Iraq để cho phép quân đội Mỹ ở lại, nhưng không đạt được. Vì vậy sau đó, tất cả các lực lượng Mỹ đã được rút về nước.
Ông Obama đang nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện một thỏa thuận an ninh với Afghanistan, cho phép binh sĩ Mỹ ở lại nước này sau khi các hoạt động chiến đấu chính thức kết thúc vào cuối năm nay. Mục tiêu của chính quyền Mỹ một phần là để tránh lặp lại sai lầm ở Iraq và cho quân đội Mỹ thêm thời gian để củng cố lực lượng an ninh Afghanistan.
Theo kế hoạch mà ông Obama đã công bố tại Vườn Hồng hôm 27/5, cho tới cuối năm nay vẫn còn khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan, nhưng toàn bộ số quân này sẽ được rút về nước sau khi nhiệm kì tổng thống của ông kết thúc vào cuối năm 2016.
Đối với những người đã quá mệt mỏi vì chiến tranh, kế hoạch trên được cho là đã giữ người Mỹ ở Afghanistan quá lâu. Còn đối với các nhà phê bình Tổng thống Mỹ, kế hoạch của ông Obama lại được cho là đã đưa người Mỹ về nhà quá sớm và cấp cho quân nổi dậy một lộ trình quá rõ ràng.
Obama thừa nhận rằng các cuộc chiến đã kết thúc mà không hề có lễ kí kết hay người thắng người thua rõ ràng nhưng ông khẳng định: "Tôi nghĩ người Mỹ đã học được rằng việc kết thúc một cuộc chiến khó khăn hơn là bắt đầu một cuộc chiến".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Associated Press (AP) của Mỹ. Đây là hãng tin lớn nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York. AP cũng là một trong những nguồn cung cấp tin tức lớn nhất cho các tờ báo, đài truyền hình và đài phát thanh trên thế giới.