Mỹ - Nhật - Ấn cùng nhau tập trận, Trung Quốc “nóng mặt”
Các tàu chiến của Mỹ sẽ tham gia cuộc diễn tập này bao gồm tàu sân bay USS Nimitz cùng đội tàu hộ tống, tàu chiến USS Princeton và các tàu mang tên lửa định hướng USS Howard, USS Kidd và USS Shoup. Thêm vào đó, một máy bay săn tàu ngầm Boeing P-8A Poseidon và một tàu ngầm lớp Los Angeles của Mỹ cũng sẽ có mặt. Tổng cộng, 6.500 sĩ quan Hải quân Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận.
Một tàu chiến của Mỹ ngoài khơi Ấn Độ Dương. |
Trong khi đó, Hải quân Ấn Độ sẽ diều động tàu sân bay duy nhất của nước này là tàu INS Vikramaditya cho cuộc diễn tập này. Thêm vào đó, hai tàu khu trục lớp Shivalik, một tàu mang tên lửa lớp Kora, hai tàu chiến, một tàu săn ngầm, một máy bay do thám P-8I Poseidon và tàu ngầm hạt nhân của Ấn Độ cũng sẽ có mặt.
Về phần mình, Nhật Bản sẽ đưa tàu Izumo, một tàu sân bay trực thăng và là tàu quân sự lớn nhất của nước này, đến tham dự tập trận. Ngoài ra, tàu chiến Sazanami của Nhật Bản cũng được điều động.
Các bài tập được tiến hành trong khuôn khổ cuộc diễn tập này sẽ bao gồm các hoạt động phòng không cũng như tác chiến trên biển. Cụ thể, họ sẽ tiến hành nhiều bài tập khác nhau như tuần tra trên biển, do thám, hoạt động phối hợp, săn tìm tàu chiến và tàu ngầm đối phương. Các thủy thủ cũng thực hiện các bài tập giới hạn tổn hại trên tàu, xử lý các loại đạn và tên lửa, vận hành trực thăng, cấp cứu và các bài tập dành cho các lực lượng đặc nhiệm.
Trong một tuyên bố, Hải quân Mỹ nói rằng: “Mỗi bài tập của cuộc tập trận này đều nhằm thúc đẩy khả năng phối hợp giữa thủy thủ các nước, và chúng tôi hi vọng quá trình này có thể được thực hiện trong một thời gian dài. Chúng tôi hi vọng có thể củng cố mối liên kết giữa các lực lượng hải quân”.
Trung Quốc đã gọi hoạt động diễn tập quân sự này là một hành động gây hấn. Báo Global Times của chính phủ Trung Quốc cho biết đây là động thái nhằm vào các hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
“Chúng tôi hi vọng rằng các hoạt động của tàu chiến các nước sẽ giúp củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết. “Tuy nhiên nếu các tàu này có mặt tại Biển Đông vì động cơ không chính đáng, đó lại là chuyện khác. Chúng ta đã thấy Nhật Bản khuấy động vấn đề Biển Đông và chúng tôi mong họ hành xử có trách nhiệm hơn hơn để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực này”.
Theo báo Hindustan Times, đáp lại cuộc diễn tập Malabar, Trung Quốc được cho là sẽ tăng cường sự hiện diện của mình ở Ấn Độ Dương. Hiện tại, một đội tàu gồm 14 tàu chiến của Trung Quốc đã được cho là có mặt tại khu vực này.
Từ năm 2002 tới nay, hàng năm Mỹ và Ấn Độ đều tiến hành các cuộc diễn tập trên biển để nâng cao khả năng phối hợp hoạt động giữa các lực lượng hải quân các nước. Các đồng minh khác của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương như Úc, Singapore và Nhật Bản đều đã tham gia vào các cuộc tập trận này.