Mỹ nghi ngờ Nga có liên quan đến việc giá dầu sụp đổ
Theo Bloomberg, Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ (CFTC) đang điều tra xem liệu các thương nhân có nhận được thông tin nội bộ về các cuộc đàm phán của nhóm OPEC+ vào tháng 3 hay không.
Theo các nguồn tin riêng của Bloomberg , CFTC với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã mở một cuộc điều tra để tìm hiểu xem liệu các nội dung trong chiến lược của chính phủ Nga có bị rò rỉ cho giới thương nhân trước thời hạn trong quá trình đàm phán với các thành viên OPEC+ khác hay không.
“CFTC đang kiểm tra xem các thương nhân nắm được thông tin nội bộ về những cuộc đàm phán của Nga với các nước OPEC+ khác có thể kiếm được hàng triệu USD từ lãi suất bất hợp pháp do biến động giá dầu hay không”, nguồn tin cho hay.
Chú thích ảnh: Sự sụp đổ của giá dầu thô thế giới đang đe dọa nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu. (Ảnh tư liệu) |
Ngoài ra, nguồn tin nhấn mạnh, không thể xác định danh tính của các thương nhân, nhưng họ không phải là quan chức Nga. Đồng thời, một nguồn tin khác cho biết, những người “làm giá” đã lôi kéo các nhân vật quan trọng liên quan đến điện Kremlin.
Được biết, vụ rò rỉ thông tin của chính quyền Mỹ đề xuất điều tra được kết nối với dự thảo chiến lược tương tác giữa Nga và các nước OPEC dẫn đến việc kết luận về thỏa thuận hạn chế khai thác dầu trước đó.
Mới đây, hôm 21/4, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev đưa ra giả thuyết giá dầu xuống mức âm có thể là do bàn tay thao túng của một thế lực nào đó. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ (WTI) rơi xuống mức chưa từng có khi giá dầu giao tháng 5 đã được chốt giá dưới 0: tức là -37,63 USD/thùng vào thời điểm đóng cửa thị trường hôm 20/4.
Ông Medvedev cho hay, Nga đang chuẩn bị thảo luận với các đối tác để bắt đầu giao dịch dựa trên dạng hợp đồng mua hoặc trả để phù hợp với tình hình giá dầu hiện tại. Với loại hợp đồng này, người mua chọn cách hoặc lấy sản phẩm từ nhà cung cấp hoặc trả tiền phạt cho đối tác.
“Dựa trên kinh nghiệm của Nga trong lĩnh vực dầu khí, chúng tôi đề nghị bán dầu theo cơ chế hợp đồng mua hoặc trả. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận phương án này với các đối tác”, ông Medvedev nói.
Cùng ngày, bộ trưởng một số nước OPEC cũng có cuộc họp trực tuyến nhằm thảo luận về diễn biến giá dầu, cũng như cách thức thực hiện ngay lập thức thỏa thuận cắt giảm sản lượng, thay vì vào đầu tháng 5 như dự kiến. Theo OPEC, các nước trên đã tổ chức một hội nghị truyền hình “không chính thức” để thảo luận về tình hình thị trường dầu hiện nay. OPEC cho biết hội nghị trên diễn ra theo sáng kiến của ông Mohamed Arkab, Bộ trưởng Năng lượng Algeria - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của OPEC.
Trước đó, hôm 12/4, OPEC+ đã nhất trí giảm sản lượng dầu ở mức 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6, mức 7,7 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2020 và tiếp sau đó giảm ở mức 5,8 triệu thùng/ngày cho đến tận cuối tháng 4/2022. Căn cứ để tham chiếu là mức khai thác vào tháng 10/2018, tuy nhiên riêng đối với Nga và Saudi Arabia mức giảm quy định là 11 triệu thùng/ngày, từ đó tính vào các giai đoạn kể trên mức giảm sản xuất sẽ tương ứng là 23%, 18% và 14%.
Thanh Bình (lược dịch)