Mỹ - Nga có thể hợp tác trên tinh thần của những năm 1990
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. |
Trong bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã không loại trừ việc nối lại hợp tác với Nga theo tinh thần của những năm 1990.
Ông cho biết: "Điều quan trọng nhằm giữ cho cánh cửa luôn mở là làm việc với Nga ở những nơi mà lợi ích của hai bên trùng nhau hoặc là làm thế nào đó để cho chúng trùng khớp. Như tôi đã nói, một thời gian dài sau Chiến tranh Lạnh, Nga đã hợp tác với Hoa Kỳ và các nước khác, góp phần xây dựng nguyên tắc trật tự quốc tế, mà không phá vỡ chúng…Có lẽ một ngày nào đó, tinh thần này sẽ sống lại".
Người đứng đầu Lầu Năm Góc đã lấy ví dụ cho sự hợp tác thành công giữa hai bên bằng cách dẫn chứng về chương trình hợp tác làm giảm nguy cơ đe dọa của các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (chương trình hợp tác Nunn — Lugar). Theo chương trình được Hoa Kỳ tài trợ này, kho vũ khí hạt nhân của Nga đã giảm bớt quy mô. Những người chỉ trích chương trình này ghi nhận rằng, phần lớn chi phí được dành cho các nhà thầu Mỹ và các chuyên gia tư vấn, còn quân đội Mỹ trong quá trình kiểm tra có thể được truy cập vào các thông tin nhạy cảm.
Ông Carter sẽ rời bỏ chức vụ cùng các thành viên khác của chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama vào ngày 20/1 tới, ngay khi vị trí lãnh đạo đất nước chính thức thuộc về ông Donald Trump. Ngài Bộ trưởng được biết tới nhờ cách tiếp cận hai chiều với Nga được ông xây dựng với hai mặt "mạnh mẽ và cân bằng": một mặt ông Carter ủng hộ việc hạn chế Nga về quân sự và một số vấn đề khác, mặt kia lại nhất trí hợp tác trong các lĩnh vực có lợi cho Hoa Kỳ.
Chương trình Hợp tác Nunn-Lugar ra đời năm 1991 theo sáng kiến của Thượng nghị sĩ Mỹ Sam Nunn và Richard Lugar nhằm hỗ trợ Nga trong việc giảm quy mô kho vũ khí hạt nhân của mình sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc; đồng thời loại bỏ các vũ khí sinh học và hóa học đã lỗi thời.
Chương trình này có 4 mục tiêu chính gồm: phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt và các cơ sở hạ tầng liên quan dưới thời Liên Xô cũ; củng cố và đảm bảo công nghệ và các tài liệu liên quan đến vũ khí hủy diệt; tăng tính minh bạch giữa các bên liên quan; hỗ trợ quốc phòng và hợp tác quân sự với mục tiêu ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt. Hơn 20 năm qua, Mỹ đã chi khoảng 8 tỷ USD cho chương trình này.