Mỹ, Nga có thể “bắt tay” vì an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương?
Nhận định trên được ông Carter phát biểu tại phiên bế mạc Đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore, với sự tham gia của các quan chức an ninh và quân sự cấp cao từ nhiều nước trong khu vực.
“Nga là một cường quốc ở khu vực Thái Bình Dương và có thể đóng góp một vai trò quan trọng ở châu Á – Thái Bình Dương. Với việc tôn trọng những đóng góp của Moscow trong khu vực, tôi cho rằng Nga còn có thể làm được nhiều hơn thế”, ông Carter nói.
Mỹ mong muốn Nga đóng góp nhiều hơn cho an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh mặc dù Washington có quan điểm khác biệt với Moscow về tình hình châu Âu và Trung Đông, song hai nước đều có một tiếng nói mạnh mẽ cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản về chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Carter cho biết: “Nếu sử dụng sức ảnh hưởng của mình theo một cách tích cực, mang tính xây dựng thì Mỹ luôn sẵn lòng hợp tác với Nga. Vì vậy, tôi cảm thấy có tiềm năng trong vấn đề này. Dù nó chưa được nhận ra nhưng để trả lời câu hỏi rằng Nga có thể trở thành một phần trong hệ thống an ninh khu vực châu Á hay không thì tôi có thể khẳng định rằng, chắc chắn Mỹ luôn hy vọng như vậy”.
Bộ trưởng Carter cũng cho hay một hệ thống an ninh trên toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang được phát triển mạnh mẽ, bên cạnh khối ASEAN. Quan chức Mỹ nhấn mạnh Washington đã cam kết hợp tác chặt chẽ với hệ thống này, trở thành đại diện cho làn sóng an ninh tiếp theo ở châu Á – Thái Bình Dương.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.