Mỹ lại tiếp tục gia tăng lệnh trừng phạt Iran
Theo đó, các biện pháp trừng phạt được đưa ra đối với người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi và chính tổ chức này. Giờ đây, theo các quy định chung tài khoản của cá nhân và tổ chức kể trên ở Mỹ sẽ bị đóng băng.
Ngoài ra, trong bất kỳ giao dịch nào của bên thứ ba với tổ chức này đều bị áp lệnh trừng phạt của Mỹ. Đây được xem là động thái có thể tác động tới chương trình phát triển năng lượng hạt nhân dân sự của Iran.
Tuyên bố trước đó của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Pompeo cho rằng, việc gây áp lực kinh tế đối với Tehran có thể buộc người dân Iran phải đưa ra quyết định thay đổi hướng chính trị của đất nước.
“Chúng tôi nghĩ rằng, việc tước đi của Iran cơ hội nhận tiền là cách phù hợp để khiến họ đưa ra những quyết định không đơn giản, nhưng bù lại người dân nước này có cơ hội thay đổi bản chất cũng như hành vi của chế độ đang phục vụ cho 80 triệu người dân sống ở Iran”, ông Pompeo nói trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab.
Quốc hội Mỹ ủng hộviệc hạn chế những hành động quân sự chống Iran. (Ảnh tư liệu). |
Trong một diễn biến khác, theo kết quả bỏ phiếu Hạ viện Quốc hội Hoa Kỳ nhất trí ủng hộ việc hạn chế những hành động quân sự chống Iran có thể xảy ra tiếp theo.
Dự luật được nhận được sự ủng hộ của 228 đại biểu, hầu như chỉ thuộc đảng Dân chủ, 175 người bỏ phiếu chống chủ yếu thuộc đảng Cộng hòa.
Theo đó, dự luật “Không chiến tranh với Iran”, quy định cấm cấp kinh phí cho các hoạt động quân sự chống lại Iran mà không có sự cho phép của Quốc hội. Cơ hội để bản dự luật này được thông qua tại Thượng viện không mấy khả quan. Nhà Trắng đã cam đoan rằng Tổng thống Donald Trump sẽ phủ quyết nếu luật được thông qua.
Trước đó, căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang sau cái chết của Tướng Qasem Soleimani, Chỉ huy Lực lượng Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạnh Hồi giáo Iran (IRGC). Theo đó, quân đội Mỹ đã dùng máy bay không người lái (UAV) để không kích sân bay quốc tế Baghdad hôm 3/1.
Hậu quả, ngoài Tướng Soleimani, Tướng Abu Mahdi al-Muhandis, phó chỉ huy Lực lượng Huy động nhân dân Shia (PMF) của Iraq cũng đã bị tiêu diệt. Ngoài hai tướng cấp cao trên còn có thêm 5 thành viên quan trọng khác của PMF thiệt mạng sau vụ tấn công của Mỹ. Tehran đã phóng tên lửa tấn công căn cứ Ain Assad ở miền tây Iraq, cũng như căn cứ ở Erbil nơi Mỹ đóng quân. Theo truyền thông Iran, khoảng 80 người đã thiệt mạng.