Mỹ không sợ S-300 Nga, ráo riết tìm hệ thống thế chân S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ
Chia sẻ với Sputnik hôm 19/11, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Eric Pahon khẳng định, sự xuất hiện của các hệ thống phòng không S-300 mà Nga cung cấp cho quân đội Syria không làm ảnh hưởng tới hoạt động của Mỹ ở quốc gia Trung Đông này.
Mỹ đangráo riết tìm hệ thống phòng không thay thế S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua của Nga. |
Theo ông Pahon, việc hàng loạt vũ khí mới được triển khai ở Syria có thể làm tăng mối nguy hiểm cho hàng loạt đội quân đang cùng hoạt động trong khu vực, cũng như gây ra mối đe dọa tiềm ẩn đối với các chuyến bay dân sự bay qua lãnh thổ Syria.
“Bất cứ loại vũ khí mới nào được triển khai thêm ở Syria chỉ làm cho tình hình căng thẳng gia tăng. Chúng ta cần thảo luận chính trị để chấm dứt xung đột tại Syria và cần có sự hỗ trợ của tiến trình Geneva để đưa ra được giải pháp chấm dứt giao tranh. Việc đưa thêm các hệ thống vũ khí và khí tài tới Syria chỉ làm cho tình hình càng trở nên phức tạp”, ông Pahon nói.
Cũng theo ông Pahon, sứ mệnh của Mỹ ở Syria vẫn không thay đổi. “Chúng tôi vẫn chỉ tập trung vào tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Hôm 2/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu báo cáo lên Tổng thống Vladimir Putin về việc các hệ thống S-300 đã được đưa tới Syria. Ngoài ra trong vòng 3 tháng, quân đội Syria sẽ tiếp nhận S-300 cũng như tham gia khóa huấn luyện sử dụng hệ thống tên lửa phòng không này.
Sau khi máy bay quân sự IL-20 của Nga bị hệ thống phòng không S-200 của Syria bắn nhầm khiến 15 người thiệt mạng vào ngày 17/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố Moscow sẽ cung cấp S-300 cho quân đội Syria nhằm tăng cường năng lực chiến đấu. Nga cáo buộc chính tiêm kích F-16 của không quân Israel đã cố tình dùng IL-20 làm lá chắn trước đòn phản công của hệ thống phòng không Syria và dẫn tới thảm kịch cho máy bay quân sự Nga.
Về phần mình, Israel đã bày tỏ mối quan ngại về sự xuất hiện của hệ thống S-300 của Nga tại Syria. Theo Israel, quân đội Syria có thể dùng S-300 để kiểm soát toàn bộ không phận Israel.
Trong một diễn biến khác, ông Pahon cho biết Lầu Năm Góc đang hợp tác với Quốc hội Mỹ nhằm tìm kiếm một hệ thống phòng không thay thế cho S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua của Nga.
“Chúng tôi vẫn đang tiến hành thảo luận theo con đường ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm kiếm hệ thống phòng không thay thế cho S-400 cùng với Quốc hội Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”, ông Pahon cho hay.
Hồi tháng 12/2017, Ankara đã ký kết một thỏa thuận vay với Moscow để mua các hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất. Sau đó, CEO Tập đoàn Rostec của Nga Sergey Chemezov tuyên bố thỏa thuận mua bán S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 2,5 tỷ USD, trong đó 55% giá trị hợp đồng Thổ Nhĩ Kỳ vay của Nga.
Tới ngày 25/10 năm nay, Ankara cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu triển khai các hệ thống S-400 vào tháng 10/2019.
“Chúng tôi đã thảo luận với đối tác Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua các hệ thống S-400 sẽ gây ảnh hưởng và mang tới những hậu quả lớn như thế nào đối với mối quan hệ quốc phòng hai nước. Có rất nhiều vấn đề nảy sinh sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua S-400 của Nga”, ông Pahon nói thêm.
Trước đó, giới chức Mỹ cảnh báo nếu Ankara vẫn quyết tâm mua S-400 của Nga, Mỹ có thể sẽ hủy bỏ thương vụ chuyển giao các tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
S-400 hiện được xem là hệ thống phòng không tên lửa thế hệ mới có khả năng hoạt động linh hoạt. Hệ thống của Nga sử dụng được 3 loại tên lửa khác nhau và có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không từ tầm ngắn cho tới cực xa, từ máy bay trinh sát cho tới tên lửa đạn đạo.