Mỹ: "Không muốn mất tiền viện trợ, Ai Cập nên tránh nội chiến"
Các cuộc biểu tình trên đường phố tại Ai Cập vẫn tiến tục bùng nổ kể từ khi Tổng thống Mursi bị lật đổ hôm 3/6 |
Lực lượng quân đội Ai Cập đã lật đổ Tổng thống Mohamed Mursi hôm 3/6 sau hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn trên đường phố, để dọn đường cho việc thành lập một nội các lâm thời mới ngay trong tuần này, đảm nhận trách nhiệm khôi phục chính quyền dân sự và tái thiết nền kinh tế.
Tuy nhiên, hôm 17/7, hàng ngàn người ủng hộ Tổng thống Mursi đã tổ chức biểu tình bên ngoài văn phòng thủ tướng và diễu hành qua các con phố tại thủ đô Cairo nhằm phản đối bộ máy chính quyền mới được quân đội hẫu thuận.
Theo luật pháp Mỹ, nếu lực lượng quân đội Ai Cập phế truất Tổng thống Mursi hoặc ông Mursi bị lật đổ từ một cuộc đảo chính mà trong đó quân đội đóng vai trò chủ chốt thì Mỹ sẽ cắt bỏ phần lớn khoản tiền viện trợ trị giá 1,5 tỷ USD hàng năm cho Ai Cập.
Ông Kerry nhấn mạnh hiện Mỹ vẫn chưa quyết định cắt bỏ khoản viện trợ cho Ai Cập hay không bởi quá trình này cần thời gian cùng sự tư vấn của các luật sư và nghiên cứu tình hình thực tế. "Đây rõ ràng là một tình huống vô cùng phức tạp và khó khăn về sự sống còn của Ai Cập, khả năng nổ ra cuộc nội chiến và bạo động lớn", Ngoại trưởng Kerry trả lời báo giới tại Amman.
Cuộc khủng hoảng tại Ai Cập đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động trên kênh đào Suez và khiến các quốc gia đồng minh phương Tây lo ngại. Khả năng Washington sẽ buộc phải cắt bỏ khoản viện trợ cho Cairo trong trường hợp Tổng thống Mursi bị lật đổ. Khoản tiền 1,5 tỷ USD được Mỹ viện trợ cho Ai Cập hàng năm có tới 1,3 tỷ USD chuyển cho lực lượng quân đội.
Tuyên bố của ông Kerry đã cho thấy Mỹ đặc biệt quan ngại về tình hình tại quốc gia đông dân nhất Ả Rập và Tổng thống Barack Obama cũng không vội vàng cắt bỏ viện trợ cho Ai Cập.
Người phụ trách chính sách ngoại giao của Liên minh châu Âu – bà Catherine Ashton đã trở thành nhân vật chính khách quốc tế cấp cao mới nhất tới thăm các nhà cầm quyền thuộc chính phủ lâm thời mới của Ai Cập. Thậm chí, bà Ashton còn gặp gỡ với các nhà lãnh đạo thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo ủng hộ ông Mursi.
Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo tổ chức Anh em Hồi giáo - Amr Darrag, các quốc gia châu Âu vẫn chưa đưa ra kế hoạch nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ai Cập. Trong cuộc gặp hồi tháng Tư, bà Ashton đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Mursi ký kết một thỏa thuận chia sẻ quyền lực song ông Mursi đã từ chối.
Hãng tin MENA cho hay trong ngày 17/7, tòa án Ai Cập đã bắt giam 70 nhân vật ủng hộ ông Mursi với thời hạn 15 ngày để phục vụ cuộc điều tra liên quan tới các vụ bạo động hôm 16/7 khiến 7 người thiệt mạng.
Toàn bộ nội các mới của Ai Cập gồm 33 bộ trưởng đã tuyên thệ nhậm chức hôm 16/7. Hiện, chính quyền mới tại Ai Cập đang đi theo "bản đồ" do quân đội chỉ dẫn nhằm khôi phục trật tự dân sự và tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội trong vòng 6 tháng. Phần lớn các bộ trưởng mới đều ủng hộ những chính sách cải cách kinh tế theo chiều sâu do Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) đệ trình nhằm đổi lấy khoản cho vay giải cứu.