Mỹ không giúp được gì cho khủng hoảng vùng Vịnh
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson đã kết thúc các cuộc hội đàm với các đồng nghiệp của mình đến từ Ả-rập Xê-út và ba quốc gia khác trong liên minh Ả Rập hôm thứ Tư (12/7). Buổi hội đàm có mục đích nhằm tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 1 tháng qua giữa bộ tứ và Qatar. Tuy nhiên, cuộc hội đàm đã kết thúc mà không có một lời tuyên bố đột phá nào.
Trước đó, ông Tillerson đã ký một thỏa thuận ngăn chặn tài trợ khủng bố giữa Mỹ và Qatar với kỳ vọng thỏa thuận sẽ làm dịu những lo ngại của 4 nước liên minh ở vùng Vịnh gồm Ả-rập Xê-út, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập.
Ông Tillerson gặp gỡ các đồng cấp ở vùng Vịnh. |
Reuters dẫn bình luận của một quan chức cấp cao UAE trước khi cuộc đàm phán xảy ra, theo đó, bất cứ giải pháp nào đưa ra cũng phải giải quyết tất cả các vấn đề chính của bộ tứ Ả Rập và Qatar. Nếu không, cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục phá hoại sự ổn định của khu vực.
Bốn nước Ả Rập đã áp dụng lệnh cô lập ngoại giao đối với Qatar từ ngày 5/6, buộc tội Doha tài trợ cho khủng bố và liên kết với Iran. Doha đã bác bỏ những cáo buộc này. Bốn nước Ả Rập và Qatar đều là đồng minh của Mỹ.
Ông Tillerson đã gặp các bộ trưởng ngoại giao tại thành phố Jeddah, Ả Rập Xê-út, theo đuổi tiến trình chấm dứt cuộc tranh chấp tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa các quốc gia Ả rập trong vùng Vịnh.
Tillerson cũng đã gặp riêng vua Salman của Ả Rập Xê-út và thái tử Mohammed bin Salman để thảo luận về hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và các nguồn tài trợ cho khủng bố.
Trong một tuyên bố chung được ban hành sau khi Tillerson và người đồng nhiệm Qatar ký kết hiệp ước chống khủng bố, bốn quốc gia này đã gọi thỏa thuận này là không phù hợp.
Họ tiếp tục nêu ra 13 yêu cầu đã từng gửi đến Qatar trước đó như là điều kiện để gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà họ đã áp đặt lên Doha.
Bộ trưởng Ngoại giao UAE Anwar Gargash đã gửi đơn khiếu nại chính thức tới Cao ủy Nhân quyền LHQ hôm thứ Tư, cáo buộc hãng tin Al Jazeera ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa chống Do thái.
Al Jazeera phủ nhận cáo buộc, cho biết họ thực hiện quyền tự do ngôn luận. Họ cũng không đưa ra phản ứng nào trước yêu cầu bình luận về bản yêu sách.
Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahayan nói với các phóng viên trong chuyến thăm Slovakia rằng chuyến thăm của ông Tillerson có vẻ không thể giải quyết được vấn đề này.
Jean-Marc Rickli, nhà phân tích rủi ro tại Trung tâm chính sách an ninh Geneva cho biết, cuộc khủng hoảng đã vượt quá câu chuyện tài trợ cho khủng bố, chỉ ra những lo ngại về vai trò của Iran, sự bất ổn nội bộ và ảnh hưởng khu vực của nhóm Anh em Hồi giáo cực đoan cũng như sự cạnh tranh vai trò lãnh đạo khu vực.
"Bất kể kết quả là gì, một trong hai bên sẽ mất mặt và mất mặt trong thế giới Ả Rập là điều quan trọng. Hậu quả tương lai sẽ là tiêu cực đối với ít nhất một phía hoặc cả hai", Rickli nói.
Pháp cho biết Bộ trưởng Ngoại giao nước này sẽ thăm vùng Vịnh, bao gồm cả Qatar và Ả Rập Xê-út, vào ngày 15-16/7 tới đây, như là một phần nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Trong tuyên bố của bộ tứ hôm thứ Ba (11/7) cho biết, họ đánh giá cao những nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Theo hãng thông tấn WAM của UAE, "một bước như vậy là không đủ. Họ sẽ giám sát chặt chẽ sự nghiêm túc của Qatar trong việc chống lại tất cả các hình thức tài trợ, hỗ trợ và bồi dưỡng khủng bố".
Mỹ lo lắng cuộc khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự, chống khủng bố và tăng cường ảnh hưởng khu vực của Iran - nước đã hỗ trợ Qatar bằng cách cho phép nó sử dụng đường hàng không và đường biển qua lãnh thổ của mình.
Qatar cũng là nơi đặt căn cứ không quân Udeid, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông.