Mỹ khoe F-22 gần 600 lần đánh chặn máy bay Nga, Iran ở chiến trường Syria
Business Insider đưa tin theo tuyên bố của Lầu Năm Góc, phi đội chiến đấu cơ F-22 thuộc Không đoàn 94 của không quân Mỹ đã tiến hành tổng cộng 590 chuyến bay trong 4.900 giờ bay trên chiến trường Syria trong 6 tháng kể từ khi được triển khai.
Ngoài ra, F-22 còn “ngăn chặn” 587 chiến đấu cơ của đối phương hoạt động trên không phận Syria bao gồm các máy bay quân sự của Nga, Iran và quân đội Syria.
Tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ. |
Do binh sĩ Mỹ hoạt động trên mặt đất ở Syria dễ bị hỏa lực đối phương tấn công, Mỹ đã điều động tiêm kích F-22 tới hộ tống chiến đấu cơ F/A-18 thực hiện các phi vụ oanh tạc yểm trợ cho lực lượng dưới mặt đất.
Cũng theo Lầu Năm Góc, F-22 còn bảo vệ quân đội Mỹ khỏi sự tấn công từ máy bay ném bom của đối phương. F-22 từng yểm trợ cho quân đội Anh, Pháp và Mỹ thực hiện vụ không kích nhằm vào các mục tiêu của chính quyền Damascus, sau cáo buộc quân đội Syria dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường.
Lầu Năm Góc khẳng định, các tiêm kích F-22 “đã tiến sâu vào lãnh thổ Syria và đối mặt với các chiến đấu cơ cũng như các hệ thống tên lửa đất đối không của đối phương”.
Quân đội Mỹ nhấn mạnh, không máy bay nào của liên quân bị bắn hạ trong suốt thời gian hoạt động tại Syria. Phía Mỹ cho rằng hệ thống phòng không Syria dù được trang bị các khí tài hiện đại của Nga cũng chưa đủ năng lực phát hiện ra F-22.
Trước đó, hôm 24/9, trang web defence-blog đưa tin chiến đấu cơ Su-35 của Nga đã thực hiện đánh chặn máy bay chiến đấu F-22 Raptor của Mỹ ngay trên không phận Syria.
Dẫn bức ảnh đăng tải trên tài khoản Instagram của một phi công Nga, trang web defence-blog cho hay bức ảnh đã ghi lại khoảnh khắc F-22 bị Su-35S của Nga phát hiện và tiến hành đánh chặn.
Song Liên quân của Mỹ hoạt động ở Syria và Bộ Quốc phòng Nga cũng chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào liên quan tới thông tin được defence-blog.com đăng tải.
Chia sẻ với Sputnik, các nhà quan sát quân sự nhận định không cần hoài nghi thêm về việc không quân Mỹ sẽ tận dụng cơ hội đưa tiêm kích F-22 thực chiến ở Syria nhất là khi có sự xuất hiện của hệ thống phòng không S-300 của Nga. Bởi F-22 vốn được thiết kế để qua mặt hoặc tiêu diệt các hệ thống phòng không hiện đại. Song Giáo sư Sergei Sudakov tại Viện Hàn lâm Khoa học quân sự Nga cho rằng, F-22 sẽ không có cơ hội để hoạt động tự do ở Syria.
“Việc F-22 có thể qua mặt được S-300 hay không đang là câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Trong băng tần S, F-22 dường như không thể bị phát hiện. Nhưng trong băng tần VHF, F-22 lại dễ dàng trở thành mục tiêu bị tấn công”, nhà báo quân đội Mikhail Khodaryonok, một cựu quân nhân Nga chia sẻ.