Mỹ giải thích lý do điều oanh tạc cơ B-52 bay gần quần đảo Trường Sa
Hoạt động này diễn ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu chỉ trích Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-la ở Singapore. Ông cũng nói rằng Bắc Kinh đang có những hành động “đe dọa và gây hấn” trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Mỹ tuyên bố vừa triển khai máy bay ném bom B-52 đến gần đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông. |
Từ lâu, Trung Quốc đã cho xây dựng trái phép các bãi đá thành đảo nhân tạo trên Biển Đông, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng và triển khai tên lửa đến các đảo này, mặc dù Tòa án Trọng tài quốc tế đã tuyên bố rằng Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử trên Biển Đông.
Một quan chức giấu tên biết rõ về lộ trình của các máy bay ném bom trong khu vực khẳng định rằng hai phi cơ B-52 đã bay cách các đảo này khoảng 20 hải lý. Tuy nhiên phát ngôn viên Không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương là bà Victoria Hight phủ nhận máy bay Mỹ đã bay gần đảo nhân tạo.
Một phát ngôn viên khác của Lầu Năm Góc là Trung tá Chris Logan cho biết các máy bay B-52 này khi đó đang “thực hiện hoạt động huấn luyện thường nhật” và bay từ Căn cứ Không quân Andersen từ đảo Guam, vùng lãnh thổ thuộc Mỹ nằm trên Thái Bình Dương, tới “một cơ sở quân sự” nằm trên đảo Diego Garcia, một vùng lãnh thổ thuộc Anh nằm trên Ấn Độ Dương.
Ông Logan cho biết chuyến bay này là một phần trong hoạt động mang tên Continuous Bomber Presence (CBP) của Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương nhằm “đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn quân”. Ông cũng khẳng định, “hoạt động CBP được thực hiện thường xuyên từ tháng 3/2004 đến nay hoàn toàn đúng luật pháp quốc tế”.
Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Mattis khẳng định, Mỹ sẽ không từ bỏ vai trò của mình trong khu vực. “Xin hãy nhớ rằng, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ở lại Châu Á – Thái Bình Dương”, ông Mattis nói. “Đây là một trong những khu vực mà chúng tôi đặt ưu tiên hàng đầu”.
Ông Mattis đã bày tỏ quan điểm cứng rắn của mình trước quá trình quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất trên thế giới. “Chúng tôi tin rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức cũng như cơ hội trong những năm tới, và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Trung Quốc nếu họ mong muốn xây dựng hòa bình và ổn định lâu dài cho khu vực”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu.
Tuần trước, Trung tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Hội đồng Tham mưu trưởng Mỹ trả lời trước báo giới rằng: “Tôi xin khẳng định quân đội Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh chìm các đảo nhỏ ở khu vực Tây Thái Bình Dương”. Phát ngôn của ông được đưa ra trong lúc Mỹ đẩy mạnh các hoạt động tuần tra trên Biển Đông để phản đối Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã có phản ứng dữ dội trước những phát ngôn gần đây của Mỹ. Trong cuộc họp báo diễn ra vào ngày 31/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông “giống như vừa ăn cướp vừa la làng vậy”.