Mỹ gặp rắc rối lớn với khoản nợ hơn 19 nghìn tỷ USD
“Thủ phạm” đằng sau số tiền nợ gia tăng này là chi tiêu liên bang tăng nhanh, đặc biệt là ngân sách dùng cho an ninh xã hội, y tế, các dịch vụ trợ giúp y tế và chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân của ông Obama.
Thông thường, Quốc hội Mỹ sẽ đặt ra một giới hạn cho nợ quốc gia, được gọi đơn giản là giới hạn nợ. Tuy nhiên thay vì đặt ra một mốc cao hơn cho nợ quốc gia, các nhà lập pháp và Tổng thống Mỹ là liên tục hoãn việc đề ra giới hạn nợ, gần đây nhất là giai đoạn từ tháng 11/2015 cho đến 15/3/2017. Trong thời gian “treo” giới hạn nợ như vậy, Bộ Tài chính Mỹ được phép mượn thêm tiền để chi trả cho tất cả các nghĩa vụ liên bang tới hạn. Điều này có nghĩa là thực tế không có một giới hạn nợ nào dành cho Mỹ.
Khoản nợ quốc gia Mỹ đã tăng đến mức kỷ lục. |
Một số nhà phân tích đã kêu gọi duy trì tình trạng “treo” giới hạn nợ lâu dài hoặc hủy bỏ việc thiết lập giới hạn này. Theo quan điểm của họ, giới hạn nợ là một quy định cổ xưa và không còn hiệu quả với thời đại ngày nay. Họ cho rằng vì Quốc hội đều phê chuẩn tất cả các chi tiêu ngân sách vì vậy việc đặt ra một giới hạn vay mượn là điều vô lý.
Tuy nhiên, quan điểm này chưa hẳn đã đúng. Theo Romina Boccia, Phó giám đốc Viện nghiên cứu chính sách kinh tế Thomas A. Roe, giới hạn nợ là một công cụ quan trọng của Quốc hội để tạo ra những thay đổi mang tính tích cực. Và sự thay đổi là thực sự cần thiết với nước Mỹ nhất là khi sự gia tăng chi tiêu đang có xu hướng tăng nhanh hơn sự phát triển kinh tế.
Gia tăng chi tiêu cũng là yếu tố khiến cho sự thâm hụt tài chính ngày càng tăng. Sự thâm hụt của Mỹ ước tính sẽ đạt ngưỡng nghìn tỷ USD đến năm 2022 và tiếp tục tăng nhanh. Vì vậy, giới hạn nợ là một biện pháp mang tính quyết định đối với Quốc hội để biến những lời nói thành hành động và theo đuổi các mục tiêu cải cách cơ cấu giúp ngân sách quốc gia trở lại chế độ cân bằng.
Điều này có nghĩa là, Quốc hội Mỹ cần phải hành động, càng sớm càng tốt, để thông qua một con đường cân bằng cho ngân sách hàng năm. Điều này là cần thiết để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính khi các nhà đầu tư yêu cầu mức lãi suất cao hơn nếu Mỹ muốn tiếp tục vay tiền.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.