Mỹ “ép” EU chống lại Dòng chảy Phương Bắc 2, Tổng thống Áo “phản pháo” mãnh liệt
Mỹ “ép” EU chống lại Dòng chảy Phương Bắc 2, Tổng thống Áo “phản pháo” mãnh liệt |
"Chúng tôi muốn dự án này phải dừng lại… Đã đến lúc hành động", tờ Handelsblatt dẫn lời quan chức trong chính quyền Mỹ.
Mỹ tiếp tục yêu cầu các đối tác thực hiện biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng của chính họ. Ngoài ra, Washington tin rằng EU có nghĩa vụ đảm bảo "nguồn cung cấp khí đốt không bị gián đoạn thông qua Ukraine".
Những hành động gây áp lực lên châu Âu nhằm ngăn cản việc xây dựng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đã được Mỹ thực hiện liên tục.
Đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 lại một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý khi hồi đầu tháng 1 vừa qua, đại sứ Mỹ tại Đức, ông Richard Grenell, đã gửi thư đe dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt với các công ty Đức tham gia dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Theo ông, việc triển khai dự án này cùng với dự án khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến cho việc vận chuyển nhiên liệu qua Ukraine là không cần thiết.
Tuy nhiên, chính phủ Đức tuyên bố rằng không có cơ sở pháp lý nào để can thiệp vào dự án này. Trước đó, Thủ tướng Ba Lan cũng thừa nhận không thể dừng việc xây dựng đường ống dẫn khí của dự án này.
Sau đó truyền thông Đức trích dẫn các nguồn tin cho biết, Bộ Ngoại giao Đức coi hành động này là một sự khiêu khích và khuyến nghị các công ty không trả lời bức thư.
Dự án khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ |
Nhà phân tích chính trị, chuyên gia về năng lượng Christian Wipperfürth trong cuộc phỏng vấn với Sputnik cho biết, Hoa Kỳ đang gây áp lực lên dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 không chỉ vì họ muốn bán khí đốt hóa lỏng cho châu Âu. Trong mọi trường hợp, Hoa Kỳ không có khả năng cung cấp khí hóa lỏng với khối lượng đầy đủ và mức giá cạnh tranh tốt.
"Tôi nghĩ rằng, Mỹ đang gia tăng áp lực buộc Đức phải nhượng bộ trong những vấn đề khác. Vấn đề chính không phải là Dòng chảy Phương Bắc 2, Hoa Kỳ muốn để Đức thực hiện những nhượng bộ lớn hơn trong các vấn đề khác. Ví dụ, gần đây Đức đã "cấm cửa" hãng hàng không của Iran, đây là điều mà Berlin đã không muốn làm trong nhiều năm liền, nhưng bây giờ phải nhượng bộ dưới sức ép của Mỹ", chuyên gia Christian Wipperfürth bình luận.
Nhà khoa học chính trị Graziani Tiberio, Giám đốc Viện quốc tế về phân tích các xu hướng toàn cầu Vision & Global Trends, cho rằng việc ngăn cản dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 chỉ là một phần của trò chơi lớn. Mục tiêu chính là cắt đứt tất cả các mối liên hệ đã hình thành để Nga không thể cung cấp tài nguyên năng lượng cho lục địa “già”.
Hoa Kỳ sẵn sàng làm bất cứ gì để châu Âu bị chia rẽ và trở nên yếu hơn, để châu Âu buộc phải hướng tới Mỹ. Một mục tiêu khác là bán khí hóa lỏng cho châu Âu, và Hoa Kỳ không hề nghĩ về những vấn đề phức tạp trong quá trình vận chuyển qua đại dương. Châu Âu không có đủ nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế, do đó có nhu cầu về nguyên liệu từ Nga”, chuyên gia Graziani Tiberio cho biết.
Trong khi đó, tờ Standard đưa tin, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen đã chỉ trích Mỹ gây áp lực lên Liên minh châu Âu vì dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga.
Ông Alexander Van der Bellen cho rằng: "Chính phủ Hoa Kỳ coi Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên như thuộc địa!"
Tuy nhiên, nguyên thủ Áo cũng bày tỏ ý kiến cho rằng Nga dường như cũng hy vọng Liên minh châu Âu (EU) suy yếu. Ông nói thêm, Liên minh châu Âu lẽ ra có thể cảm thấy vững tin hơn trong chính sách đối ngoại của mình, vì đây là một trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 |
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng 5 công ty châu Âu. Lâu nay, Mỹ cực lực phản đối dự án này. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố, người đồng cấp Donald Trump đang theo đuổi lợi ích của doanh nghiệp Mỹ trong việc cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) cho châu Âu.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Nhiều quốc gia đã phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.
Ba Lan và các nước khác trong khu vực, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đã phản đối mạnh mẽ dự án. Theo lập luận của các nước này, dự án của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại "những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu".