Mỹ: Dòng chảy Phương Bắc 2 là “ý tưởng tệ hại” vì căng thẳng Kerch
Vị quan chức giấu tên cho biết: “Tôi nhận thấy rằng vụ việc ở eo biển Kerch là một minh chứng cho thấy, khi anh không có đường ống khí đốt đi qua Ukraine vì Dòng chảy Phương Bắc 2, anh sẽ không có phương án nào để giải trừ hành động gây hấn quân sự của Nga”.
Mỹ đã nhiều lần chỉ trích dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. |
Vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine trên eo biển Kerch theo vị quan chức này “là một minh chứng tới tất cả các nước đồng minh Châu Âu của Mỹ rằng vì sao Dòng chảy Phương Bắc 2 là một ý tưởng tệ hại”. Ông cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã liên tục thảo luận với các quan chức Đức về dự án khí đốt này.
“Chúng đã được thấy một số dấu hiệu trong các cuộc đối thoại giữa chúng tôi và các quan chức Đức, khi những tuyên bố của họ có phần bớt hùng hồn hơn. Giờ đây rất khó để họ nói rằng đây là một dự án thương mại đơn thuần”, người này kết luận.
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin trước đó cho biết ông đã thảo luận về việc triển khai tàu chiến tới Biển Azov cùng các tàu của NATO tại thủ đô Brussels (Bỉ). “Chúng tôi đã bàn về việc đưa tàu chiến tới Biển Azov”, ông Klimkin nói với báo giới.
Vào ngày 25/11, hai tàu khu trục Berdyansk và Nikopol cùng tàu kéo Yany Kapu của Hải quân Ukraine đã xâm phạm lãnh hải nước Nga khi các tàu này đi về phía eo biển Kerch, lối vào Biển Azov. Các tàu Ukraine cùng toàn bộ thủy thủ đoàn đã bị Nga bắt giữ sau khi họ không nghe theo mệnh lệnh dừng lại từ Nga.
Sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền Kiev đã tuyên bố thiết quân luật đối với một vài khu vực nằm giáp ranh với Nga ở Ukraine cũng như nhiều vùng lãnh hải thuộc Biển Đen và Biển Azov của quốc gia này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng vụ việc này là hành động gây hấn đã được Ukraine chuẩn bị từ trước nhằm tạo cớ để có thể thiết quân luật tại Ukraine trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra ở nước này. Lệnh thiết quân luật này được áp dụng trong bối cảnh tỉ lệ tín nhiệm đối với ông Poroshenko là rất thấp.