Mỹ đặt nghi vấn Nga tiếp tục các thí nghiệm với vũ khí hạt nhân
Mỹ đặt nghi vấn Nga tiếp tục các thí nghiệm với vũ khí hạt nhân. Ảnh: AP. |
Cụ thể, theo báo cáo thường niên của Bộ ngoại giao gửi lên Quốc hội, Mỹ vẫn lo ngại như từ trước đến nay rằng Nga có thể không tuân thủ đầy đủ cam kết thông báo cho Washington về các thí nghiệm hạt nhân theo Hiệp ước năm 1974 giữa Liên Xô và Hoa Kỳ về hạn chế các vụ thử vũ khí hạt nhân ngầm dưới lòng đất.
“Hoa Kỳ tin rằng Nga đã tiến hành các thí nghiệm liên quan đến hạt nhân gây ra hiện tượng giải phóng năng lượng hạt nhân”, báo cáo cho biết.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh họ không có thông tin về việc Nga tiến hành các thí nghiệm như vậy vào năm 2019, liệu Nga có tiến hành những thí nghiệm đó hay không. “Có thể Nga tiến hành các thử nghiệm theo cách mà năng lượng hạt nhân được giải phóng khỏi thùng chứa chất nổ và điều này gây lo ngại về nghĩa vụ của Nga liên quan đến các thông báo theo thỏa thuận”, Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Moscow nên thông báo về các thí nghiệm như vậy để Washington có thể xác minh các thử nghiệm liên quan đến nghị định theo thỏa thuận nêu trên. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không đổ lỗi cho Nga vì đã vi phạm thỏa thuận.
“Theo thông tin hiện có, các hoạt động của Nga trong giai đoạn 1995-2019 làm tăng mối lo ngại về việc Nga có tuân thủ cam kết thông báo theo hiệp ước hay không”, báo cáo nhấn mạnh.
Hiện Nga chưa đưa ra bình luận về báo cáo này. Thỏa thuận giữa Liên Xô và Hoa Kỳ về việc giới hạn các thử nghiệm ngầm về vũ khí hạt nhân được ký vào tháng 7/1974, trong đó đưa ra hạn chế ngưỡng sức mạnh của các thử nghiệm và cũng quy định một hệ thống kiểm soát giữa hai nước: các bên có nghĩa vụ phải thông báo cho nhau về các thử nghiệm hạt nhân sắp tới.
Cùng ngày, Bộ tư lệnh Lực lượng Không gian Mỹ cũng cáo buộc Nga thử tên lửa diệt vệ tinh. “Nga đã tiến hành một vụ thử tên lửa diệt vệ tinh vào ngày 15/4 và gọi đây là ví dụ về những mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt trong không gian”, thông báo cho biết.
“Vụ thử tên lửa diệt vệ tinh phóng từ mặt đất DA-ASAT do Nga vừa tiến hành đã minh chứng cho mối nguy cơ đối với các chương trình không gian của Mỹ và đồng minh là hoàn toàn hiện hữu. Mối nguy cơ này sẽ càng ngày càng tăng trong tương lai”, Tướng John Raymond, chỉ huy Bộ tư lệnh Lực lượng Không gian Mỹ (SpaceCom) cho biết.
Ông Raymond nói thêm rằng, cuộc thử nghiệm là bằng chứng cho thấy “Nga đạo đức giả trong ủng hộ các đề xuất kiểm soát vũ khí ngoài vũ trụ, trong khi rõ ràng không có ý định tạm dừng chương trình vũ khí không gian của họ”.
SpaceCom đánh giá Nga nay đã đủ khả năng tiêu diệt vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo thấp (khoảng 2.000 km). Các chuyên gia cho rằng Nga thử nghiệm hệ thống tên lửa diệt vệ tinh Nudol phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk cách Moscow khoảng 800 km về phía bắc.