Mỹ đang phải trả giá vì dè dặt ở Syria?
Chiến tranh chắc chắn là một thảm kịch kinh hoàng và cuộc nội chiến Syria cũng không phải là ngoại lệ. Gần 500.000 người đã chết và hàng triệu người trở thành người tị nạn, không nhà không cửa.
Theo NYT, ông Obama lẽ ra đã có thể khiến tình hình ở Syria bớt tồi tệ hơn, ví dụ như áp dụng một vùng cấm bay, tạo ra những vùng an toàn cho thường dân. Mục tiêu trước mắt của những nỗ lực đó là ngăn chặn thiệt hại và thương vong cho thường dân, giảm dòng người tị nạn. Mục tiêu lâu dài là gây áp lực để buộc chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải đàm phán và kết thúc cuộc nội chiến.
Tổng thống Mỹ Barack Obama |
NYT nhận định, mặc dù đúng là ông Obama phải thận trọng về việc can thiệp quân sự, tuy nhiên, ông và người Mỹ nói chung đã sai khi nghĩ rằng Washington không thể làm gì để thay đổi tình hình hiện nay ở Syria.
Cựu Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, ông James Cartwright, cho hay: “Chúng ta có thể làm được rất nhiều thứ ở Syria. Chúng ta có thể đảm bảo an ninh ở một số khu vực nhất định, bảo vệ và ổn định các khu vực an toàn đó, đồng thời giúp họ xây dựng lại đất nước ngay cả khi cuộc xung đột đang diễn ra ở các khu vực khác của Syria”.
Theo ông Cartwright, mặc dù đề xuất thành lập những khu an toàn đem lại nhiều rủi ro và cần tới ít nhất một thập kỉ để tiến hành, nhưng việc không làm gì ở Syria còn nguy hiểm hơn nhiều.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright cũng đồng ý rằng nước Mỹ có thể làm nhiều hơn, như thiết lập các vùng an toàn ở Syria. Bà nhấn mạnh rằng, Mỹ cần phải rất cẩn thận trong việc sử dụng vũ lực để tránh đưa vấn đề trở nên tồi tệ hơn, nhưng không có nghĩa là chỉ đứng nhìn. Bà nói: "Chúng ta nên cố gắng để tạo ra những khu vực nhân đạo".
Quang cảnh đổ nát ở Aleppo, Syria |
Chiến lược gia Đảng Cộng hòa Kori Schake, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống George W. Bush, cũng đề xuất thành lập các khu vực an toàn theo mô hình Chiến dịch OPC được thực hiện ở miền bắc Iraq hồi năm 1991 sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên.
Nhiều chuyên gia còn khuyên chính phủ Obama cố gắng ngăn chặn Lực lượng không quân Syria bằng cách bắn tên lửa từ bên ngoài vào các đường băng quân sự của quân đội Syria.
Theo New York Times, chính sự dè dặt của ông Obama đã khiến Mỹ phải trả giá khi giờ đây mỗi bước đi của Washington ở Syria đều trở nên phức tạp hơn khi có sự hiện diện của Nga.
Ngoài ra, việc Mỹ thiếu sự lãnh đạo trong việc giúp những người tị nạn Syria đang tràn qua Jordan , Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thiếu sót. Hiện số tiền quyên góp cho người tị nạn Syria mới chỉ được 41% so với chỉ tiêu của năm nay.
Một bệnh viện bị bắn phá ở Aleppo |
Ông David Miliband, cựu ngoại trưởng Anh và hiện là chủ tịch Ủy ban Cứu nạn Quốc tế, cho hay: "Nếu bạn lo ngại về chủ nghĩa cực đoan, bạn sẽ phải lo lắng khi có tới 200.000 trẻ em Syria lớn lên ở Lebanon mà không được học hành".
Dù có nhiều ý kiến chỉ trích ông Obama nhưng theo phó giáo sư Trevor Thrall, chuyên gia tại Đại học George Mason, ông Obama không hề sai lầm khi từ chối cúi đầu trước những áp lực chính trị hay bỏ qua những hậu quả có thể xảy ra để hành động nóng vội ở Syria.
Theo ông, lịch sử chứng minh, việc can thiệp quân sự vào một quốc gia khác, dù để thành lập một vùng an toàn hay vì mục đích nhân đạo đều gặp rất nhiều trở ngại. Sở dĩ ông Obama thận trọng bởi ông thấy được tình hình thực sự rối ren đang diễn ra ở Syria.
Hơn nữa, ôngThrall cho rằng, những lời kêu gọi can thiệp quân sự vào Syria hầu hết là nhằm tìm kiếm lợi ích chính trị chứ không phải đơn thuần vì mục tiêu nhân đạo. Hơn nữa, dù là vì nhân đạo, thì việc có ưu thế quân sự không phải là điều kiện cần và đủ để thành công trong việc đem lại hòa bình và ổn định cho một khu vực nào đó. Điều này đã được chứng minh rất rõ ở Afghanistan và Iraq.
Vị phó giáo sư này cho biết thêm, can thiệp nhiều hơn vào Syria sẽ khiến Mỹ phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong cuộc xung đột chưa có dấu hiệu kết thúc này.
Ngoài ra, các phần tử, tổ chức cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sẽ kêu gọi trả đũa ở châu Âu và Mỹ. Tóm lại, việc Mỹ can thiệp Syria sẽ dẫn đến nhiều rủi ro và nguy hiểm. Ông Trevor Thrall khẳng định, Mỹ không thể giải quyết được mọi cuộc xung đột bằng can thiệp quân sự. Nếu ông Obama không hiểu được điều đó thì Syria mới thực sự là sai lầm lớn nhất của ông ở cương vị Tổng thống Mỹ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The New York Times và tờ News Week. New York Times, nhật báo được xuất bản tại thành phố New York do Arthur O. Sulzberger Jr. làm chủ biên, được phân phối ở khắp Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.