Mỹ chưa sẵn sàng giúp Iraq không kích phiến quân
Theo hãng tin AP, lỗ hổng tình báo chính là nguyên nhân khiến Nhà Trắng không thể chắc chắn về thời gian cũng như địa điểm tổ chức tấn công phiến quân tại Iraq. Do đó, mức độ thành công của các cuộc không kích là không lớn.
“Chúng tôi đã nhận được lời đề nghị từ phía chính phủ Iraq về việc triển khai các cuộc không kích. Tuy nhiên, kết quả thành công của các cuộc tấn công này vẫn chưa được đảo bảo cho tới khi chúng tôi nắm trong tay thông tin tình báo rõ ràng. Quyết định tấn công không chỉ dựa vào mỗi đoạn video do một đại sứ quay lại bằng iPhone cung cấp”, hãng tin AP dẫn lời Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey phát biểu trước phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hôm 18/6.
Những phụ nữ dòng Shi'a tình nguyện tham gia chiến đấu chống lại phiến quân ISIS. |
Việc Mỹ xác nhận Baghdad yêu cầu trợ giúp tấn công lực lượng phiến quân Hồi giáo được đưa ra sau chưa đầy 2 ngày Tổng thống Barack Obama thông báo điều động 275 binh sĩ tới đại sứ quán nước này tại Iraq để đảm bảo an ninh cho các nhân viên ngoại giao trong bối cảnh tình trạng bạo lực xung đột không ngừng leo thang tại quốc gia này.
Trong những ngày gần đây, lực lượng tự xưng “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông” (ISIS) vốn có mối liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã triển khai liên tiếp các cuộc tấn công chiếm đóng 2 thành phố trọng điểm tại Iraq và đặt an ninh tại thủ đô Baghdad vào tình trạng báo động cao.
Sau gần 10 năm Mỹ đưa quân vào tham chiến tại Iraq, hồi tuần trước, Tổng thống Obama nhấn mạnh Mỹ sẽ “không để mình tiếp tục sa lầy” như trước đây.
“Mỹ sẽ không tự tiện triển khai hành động quân sự nếu không có một kế hoạch mang tính chính trị từ chính phủ Iraq về việc đảm bảo cùng hợp tác”, ông Obama nói.
Quyết định chưa tổ chức tấn công lực lượng ISIS đã chứng minh sự bất đồng quan điểm trong giới chính trị tại Mỹ về vai trò của nước này trong việc đưa quân đội vào tái thiết lập an ninh tại Iraq.
“Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là chúng ta cần triển khai hành động trực tiếp trấn áp lực lượng ISIS, ngăn họ tiến về Baghdad và đánh chiếm thủ đô”, Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein trả lời trước báo giới hồi tuần này.
Tuy nhiên, người đứng đầu Nghị viện, ông Harry Reid lại có tư tưởng đối lập: “Đây là lúc để người dân Iraq tự giải quyết vấn đề của mình. Sau gần một thập niên tham chiến, với người dân Mỹ thế là đã quá đủ”, AP dẫn lời ông Reid.
Song nếu Mỹ nhận được nguồn tin tình báo rõ ràng và đáng tin cậy, các quan chức quân sự mới dám chắc mức độ thành công của các cuộc không kích và hành động quân sự sẽ được đưa ra một cách nhanh chóng. “Tôi tin rằng ngay khi nhận được lệnh, Không quân đã sẵn sàng chiến đấu”, Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James cho biết.
Theo tờ Guardian, trong phiên điều trần hôm 18/6, Tướng Dempsey cho hay Mỹ đã triển khai “hàng loạt thiết bị có người lái và không người lái để thu thập thông tin tình báo tại Iraq”. Những thiết bị được ông Dempsey nhắc tới chính là các loại máy bay tình báo, giám sát và trinh sát.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Associated Press (AP) của Mỹ. Đây là hãng tin lớn nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York. AP cũng là một trong những nguồn cung cấp tin tức lớn nhất cho các tờ báo, đài truyền hình và đài phát thanh trên thế giới.