Mỹ chính thức thông báo với Nga ngừng tuân thủ hiệp ước INF, những nước nào kêu gọi cứu vãn?
Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Nga Putin |
"Vào ngày 2/2, Mỹ đã chính thức thông báo với Liên bang Nga bằng một công hàm từ Bộ Ngoại giao Mỹ về việc ngừng tham gia Hiệp ước song phương INF năm 1987 và bắt đầu các thủ tục rút khỏi hiệp ước này", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Bộ này cũng nhấn mạnh Nga sẽ đưa ra mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh nước này cũng như có quyền đưa ra những hành động có qua có lại trong việc triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên mặt đất.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, Moscow đã có những biện pháp minh bạch chưa từng có liên quan tới Hiệp ước INF, song mọi nỗ lực đều bị Mỹ phớt lờ và ngăn chặn. Bộ này cũng nhấn mạnh việc Mỹ rút khỏi INF đã giáng một đòn vào toàn bộ cơ chế kiểm soát vũ khí, và Nga đã làm mọi cách để cứu vãn hiệp ước, trong khi đó Washington phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hệ quả tiêu cực của việc chấm dứt Hiệp ước INF đối với an ninh quốc tế.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ rõ Moscow để ngỏ khả năng đối thoại về hiệp ước dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Sau khi Mỹ chính thức thông báo ngừng tuân thủ hiệp ước INF, nhiều nước kêu gọi cứu vãn INF.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Anh ngày 2/2 tuyên bố, Anh không bất ngờ trước quyết định của Nga ngừng tham gia Hiệp ước Các lực lượng tên lửa tầm trung (INF), đồng thời kêu gọi Moscow tuân thủ hoàn toàn trở lại hiệp ước này.
Phát biểu với hãng thông tấn RIA Novosti, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh nêu rõ: "Quyết định của Nga ngừng tham gia Hiệp ước INF không gây bất ngờ. Sự thật là họ đã vi phạm hiệp ước trong nhiều năm. Họ vẫn còn cơ hội, trong vòng 6 tháng tới, giải quyết những quan ngại của Mỹ và tuân thủ trở lại một cách đầy đủ và có thể kiểm chứng, và, cùng với các đồng minh NATO, chúng tôi kêu gọi Nga thực hiện điều này".
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Phần Lan khẳng định Hiệp ước INF là một thỏa thuận kiểm soát vũ khí thành công. Phần Lan kêu gọi Nga và Mỹ tiếp tục đối thoại về sự ổn định chiến lược.
Trong khi đó, Latvia, một thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiểu rõ lý do vì sao Mỹ rút khỏi INF khi mà Nga "vi phạm nghiêm trọng" hiệp ước. Latvia kêu gọi Moscow đưa ra "những biện pháp có tính xây dựng" để cứu vãn Hiệp ước INF.