Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận, Hiệp ước INF đã “chết hẳn”?
“Vào ngày 2/8/2019, Hiệp ước do Liên bang Xô viết và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ký kết vào ngày 8/12/1987 về việc loại bỏ các loại tên lửa tầm trung và tầm ngắn đã bị hủy bỏ theo mong muốn của phía Hoa Kỳ”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Hiệp ước INF do Mỹ và Liên Xô cũ ký kết đã chết. |
Trước đó vào ngày 20/10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố ý định rút khỏi Hiệp ước INF với lý do rằng Nga đã vi phạm văn bản này, và Mỹ nên bắt đầu phát triển các loại vũ khí bị cấm theo hiệp ước.
Đáp lại, Nga phủ nhận cáo buộc của Mỹ và cho hay chính Washington đã vi phạm Hiệp ước INF khi triển khai hệ thống phóng tên lửa hành trình Tomahawk ở Romania và Ba Lan. Đến tháng 12 cùng năm, chính quyền Mỹ cho biết họ sẽ ngừng thực thi nội dung trong Hiệp ước trừ khi Nga tuân thủ trở lại văn bản này trong vòng 60 ngày.
Đến tháng 2/2019, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF và cáo buộc Nga phát triển một loại tên lửa được cho là đã vi phạm nội dung thỏa thuận. Một lần nữa, Nga phủ nhận các cáo buộc của Mỹ và nói rằng hệ thống Aegis Ashore do Mỹ triển khai có thể được trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và do đó cũng bị coi là vi phạm hiệp ước.
Sau khi Washinton tuyên bố rút khỏi thỏa thuận bằng những lý do mà điện Kremlin cho là không chính đáng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký lệnh yêu cầu Nga ngừng tham gia vào Hiệp ước INF.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho biết ông sẵn sàng đàm phán với Nga để có được một hiệp ước mới thay thế Hiệp ước INF. “Nga muốn có được một thỏa thuận về vũ khí hạt nhân và điều đó với tôi là rất tốt. Họ muốn có nó và tôi cũng vậy”, ông Trump trả lời báo giới vào ngày 1/8.
Cũng trong ngày 1/8, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án Mỹ leo thang căng thẳng với Nga và yêu cầu hai bên không được có bất kỳ hành động nguy hiểm nào. “Khi hiệp ước chính thức hết hiệu lực, thế giới sẽ mất đi một cái phanh quan trọng để ngăn chặn chiến tranh hạt nhân. Điều này sẽ càng khiến hiểm họa do tên lửa đạn đạo gây ra ngày càng lớn”, ông Guterres nói.
“Cho dù thế nào đi nữa, các bên liên quan cần phải tránh những hành động gây bất ổn và tìm sự nhất trí đối với một hướng đi chung để kiểm soát vũ khí hạt nhân”, Tổng thư ký nói thêm.