Mỹ chính thức loại Cuba ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố
Thông báo này được đưa ra khi các quan chức hai nước tăng tốc trong quá trình đàm phán để đưa đến thoả thuận quan trọng về việc khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao và mở cửa đại sứ quán.
"Việc huỷ bỏ xem Cuba như một nước tài trợ cho khủng bố phản ánh đánh giá của chúng tôi rằng quốc gia này đã đáp ứng các tiêu chuẩn theo các quy định huỷ bỏ", Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cho biết trong một tuyên bố.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã gỡ đi một trở ngại lớn đối với việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước hồi tháng trước khi đề nghị lên quốc hội Mỹ yêu cầu đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước mà Mỹ cho là tài trợ cho khủng bố. Động thái này được đánh giá cao sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tại Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ ở Panama hồi tháng trước.
Tuần trước, Trợ lý Ngoại trưởng Roberta Jacobson và Josefina Vidal, Giám đốc các vấn đề Mỹ tại Bộ Ngoại giao Cuba đã gặp nhau để thảo luận cụ thể việc khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm vướng mắc trước khi hai bên có thể đồng ý tái mở cửa các đại sứ quán.
Các quan chức hai bên gặp khó khăn trong việc tìm đến một thoả thuận an ninh bên ngoài đại sứ quán được đề nghị mở cửa ở Havana, Cuba. Phía Mỹ yêu cầu phải đặt đại sứ quán trong một vùng giới hạn có bán kính gần 40km và các nhà ngoại giao Cuba phải xin phép khi đi vào vùng này. Điều này cũng được áp dụng tương tự với phía Washington.
Một điểm bất lợi cho phía Cuba là Mỹ yêu cầu phải tạo ra chương trình đào tạo máy tính dành cho người dân nhằm huấn luyện người dân nước này trở thành các nhà báo ở Havana. Chủ tịch Castro đã gọi chương trình này là "bất hợp pháp" khi hiện nay, Cuba đang kiểm soát các phương tiện truyền thông, các quan chức Cuba không chịu ảnh hưởng của Công ước Viên về ngoại giao.
Khi loại bỏ Cuba, danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố của Mỹ chỉ còn lại 3 quốc gia: Iran, Sudan và Syria.