Mỹ cần làm gì ở Biển Đông?
Bất chấp các nỗ lực ngoại giao để giúp “hạ nhiệt” tình hình căng thẳng trên Biển Đông, những điều kiện hiện nay cho thấy trong năm nay, rất ít khả năng có bước đột phá trong các cuộc tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này.
Căng thẳng trên Biển Đông trong năm vừa qua gia tăng và đến nay chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. |
Trung Quốc cố tìm mọi cách gạt bỏ các sức ép của cộng đồng quốc tế để gia tăng các hoạt động nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông, điều các đội tàu hải quân, tàu canh gác bờ biển, tàu cá và thậm chí cả tàu du lịch ra vùng biển tranh chấp trên vùng biển này.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng khăng khăng đòi giải quyết các cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông bằng thương lượng song phương để dễ bề "bắt nạt" các nước láng giềng.
Những tiến triển đó đang làm tổn hại trực tiếp tới các mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực này trong đó có mục tiêu giải quyết các cuộc tranh chấp một cách hòa bình, tự do đi lại trên biển và xây dựng một hệ thống luật pháp mở giúp giải quyết các tranh chấp ở các vùng biển có vị trí quan trọng toàn cầu như Biển Đông.
Do có lẽ ngoại giao chưa đủ để giảm nhẹ căng thẳng trên Biển Đông, Hoa Kỳ cần phải cân nhắc tới các biện pháp khác nhằm duy trì hòa bình và thúc đẩy sự thịnh vượng trong khu vực như hỗ trợ nâng cao năng lực của các đồng minh và đối tác để đối phó với các hành động chèn ép và xâm lược, củng cố vai trò của luật hàng hải quốc tế, tăng cường sức mạnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để tiến tới thống nhất về các vấn đề chung cũng như thực hiện các biện pháp xây dựng niềm tin với các đồng minh, các đối tác và cả với Trung Quốc làm giảm nguy cơ xảy ra biến cố hoặc tính toán sai lầm dẫn tới giao tranh không cần thiết.
Về mặt quân sự, Hoa Kỳ nên thực hiện những bước đi sau đây:
Nâng cao năng lực quân sự của các đồng mình và đối tác để các nước này có sức mạnh quốc phòng tối thiểu ngăn chặn các hành động xâm chiếm. Hoa Kỳ công nhận quyền của Trung Quốc bảo vệ biên giới của mình nhưng Trung Quốc cũng phải công nhận quyền của các nước láng giềng trong việc xây dựng năng lực quân sự của chính mình, cái mà Trung Quốc vẫn gọi là xây dựng “các lực lượng chống can thiệp”. Hoa Kỳ nên tập trung vào giúp các đối tác về những năng lực quân sự mang tính phòng vệ và cấp thấp kể cả những năng lực về an ninh hàng hải chưa tới cấp độ quân sự. Hoa Kỳ cũng có thể giúp các nước này về mặt nhận thức vùng biển (MDA) hoặc thông tin tình báo, do thám và giám sát trên biển (ISR).
Hải quân và Lực lượng canh gác bờ biển Hoa Kỳ nên tổ chức huấn luyện quân đội và các cơ quan hàng hải của các đối tác để giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến cố hoặc tính toán sai lầm. Đặc biệt cần phải coi trọng việc huấn luyện sử dụng tàu ngầm một cách an toàn đối với những quốc gia non trẻ như Việt Nam.
Tổ chức và thúc đẩy các biện pháp xây dựng niềm tin giữa quân đội các nước liên quan.
Tổ chức huấn luyện kết hợp đặc biệt ở các hoạt động không cần lực lượng đông như hoạt động cứu trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai và chống cướp biển.
Để Trung Quốc tham gia vào các hoạt động quân sự trong khu vực: Việc Trung Quốc chấp nhận đề nghị của Mỹ tham gia vào cuộc tập trận quốc tế RIMPAC 2014 (Tập trận bờ Thái Bình Dương) là một tín hiệu đáng khuyến khích. Khi Trung Quốc cùng tham gia vào các hoạt động quân sự như vậy thì sẽ giúp tạo các mối quan hệ cá nhân giúp nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau giữa các quân đội và giúp “hạ nhiệt” khi xảy ra căng thẳng.
Một hạm đội hải quân Trung Quốc, quốc gia ngày càng tỏ ra "hung hăng" hơn trên Biển Đông. |
Các biện pháp quân sự cần phải được kết hợp với các biện pháp ngoại giao nhằm củng cố sự minh bạch và giải pháp cho xung đột dựa trên luật pháp. Dưới đây là những ưu tiên về ngoại giao và chính trị mà Hoa Kỳ cần thực hiện.
Tăng cường nỗ lực thông qua UNCLOS
Những quan điểm bảo thủ phản đối việc thông qua UNCLOS lấy lí do là Hiến chương này tập trung vào xây dựng một hệ thống hành chính quốc tế “vô danh tiểu tốt” có thể làm ảnh hưởng tới chủ quyền của nước Mỹ. Mặc dù những lo ngại đó là có cơ sở, Hoa Kỳ không thể trở thành nước đi đầu về tự do đi lại trên biển nếu bản thân Hoa Kỳ không kí vào văn bản này, trân trọng những nguyên tắc giống như mọi quốc gia khác. UNCLOS không giúp giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông nhưng nếu thúc đẩy vai trò của luật pháp quốc tế về hàng hải thì có thể góp phần giải quyết các tranh chấp đó. Mặc dù Hoa Kỳ vẫn luôn tuân thủ các điều khoản của UNCLOS nhưng việc kí kết vào văn bản đó sẽ có ý nghĩa rất quan trọng.
Tiếp tục ủng hộ Philippines đệ đơn lên Tòa án Liên Hợp Quốc để phán xét về Biển Đông, biến đây thành một tiền lệ cho cả khu vực. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ rằng nước này hoàn toàn ủng hộ giải pháp hòa bình đó. Tuy nhiên, Mỹ phải nhận ra rằng không nên chỉ ủng hộ một quốc gia tranh chấp nhất định mà phải ủng hộ cả một quá trình hoặc cơ chế giúp xóa bỏ tình trạng chèn ép và xung đột.
Củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong việc quyết định vận mệnh của Biển Đông và thúc giục các bên liên quan hướng tới Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông.
Một phần quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á là tham gia tích cực vào Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và các diễn đàn khác trong khu vực do ASEAN chủ trì. Hoa Kỳ nên tiếp tục tham gia vào các diễn đàn đó đồng thời tăng cường mối quan hệ song phương với các quốc gia thành viên của các diễn đàn này, củng cố sự đoàn kết của ASEAN để cả khối hướng tới Bộ qui tắc ứng xử với Trung Quốc. Về mặt ngắn hạn, Hoa Kỳ phải thúc đẩy mối quan hệ với Brunei, đương kim chủ tịch ASEAN.
ASEAN không được lặp lại tình trạng như đã xảy ra ở Phnom Penh năm 2012, tại đó Trung Quốc đã gây sức ép để Campuchia không đưa vấn đề Biển Đông ra tranh luận.
Củng cố mối quan hệ toàn diện với Indonesia
Từ lâu, Indonesia vẫn có tiếng nói quan trọng trong nhóm ASEAN cũng như trong khu vực và đã trở thành một đối tác toàn diện của Hoa Kỳ từ năm 2008. Là một quốc gia không tham gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Indonesia đã hành động như một trung gian hòa giải của các bên liên quan trong cuộc tranh chấp.
Cuối cùng, bất kỳ chiến lược nào trong khu vực phải phối hợp với khía cạnh kinh tế và dưới đây là các ý tưởng then chốt về mặt kinh tế:
Hoàn thành các cuộc thương lượng về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hoàn thành các cuộc thương lượng đầu tiên về TPP sẽ giúp thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực thông qua các hoạt động thương mại dựa trên luật pháp. Ngoài ra, theo thời gian, hiệp định này sẽ tạo thêm sự kết nối giữa Mỹ và phần lớn các quốc gia tham gia tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, làm giảm nhẹ sức ép về mặt quân sự.
Giảm sự chênh lệch trong phát triển kinh tế giữa các quốc gia ASEAN:
Hoa Kỳ nên sử dụng những sáng kiến về kinh tế như chương trình Tăng cường quan hệ kinh tế Mỹ - ASEAN và Sáng kiến hạ lưu Mê Kông để thúc đẩy năng lực kinh tế của các nước như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Đưa các quốc gia trên tiếp gần hơn tới các quốc gia phát triển cao hơn như Singapore và Indonesia sẽ giúp ASEAN đi đúng lộ trình để đạt mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.
Đạt được mục tiêu đó, ASEAN sẽ có tiếng nói có thống nhất về các vấn đề trong khu vực và tránh tình trạng chia rẽ.